Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phát triển đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật trường trung cấp kỹ thuật xe má...

Tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật trường trung cấp kỹ thuật xe máy, tổng cục kỹ thuật

.DOC
99
220
115

Mô tả:

1. Lý do chọn đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa” [25, tr. 183]. Do đó, xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên không chỉ là vấn đề mang tính lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với sự phát triển giáo dục của nước ta. Phát triển đội ngũ giáo viên có vai trò rất quan trọng, là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hoặc thất bại của sự nghiệp giáo dục ở mỗi quốc gia. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Đảng ta luôn đề cao vai trò của đội ngũ giáo viên; Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về giáo dục và đào tạo đã khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức, tài” [10, tr. 38]. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương và quyết tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong những năm tới. Thực sự coi: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt” [12, tr. 77]. Đây là tư tưởng chỉ đạo mang tầm chiến lược, thể hiện quan điểm toàn diện, khách quan và khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, Đại hội đã chỉ rõ: Phát triển đội ngũ giáo viên vững mạnh, toàn diện, vừa hồng, vừa chuyên; “xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng” là yêu cầu cấp thiết, là khâu then chốt, là tiền đề trong đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của quân đội đang là một đòi hỏi cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu trên, Nghị quyết 86/ĐUQSTW đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới là: “Trên cơ sở tổ chức biên chế quân đội, tập trung chấn chỉnh tổ chức hệ thống nhà trường quân đội ổn định về nhiệm vụ ngành nghề, lưu lượng đào tạo, bậc học, trình độ đào tạo; bảo đảm vững chắc khả năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; lấy nhà trường là nơi dự trữ cán bộ, sẵn sàng mở rộng lực lượng khi cần thiết” [14, tr. 18-19]. Đồng thời: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về chất lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành trong quân đội” [14, tr. 6]. Trường Trung cấp Kỹ thuật Xe-Máy là một trường Trung cấp Kỹ thuật chuyên nghiệp trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ đào tạo đa cấp, đa ngành cung cấp đội ngũ nhân viên kỹ thuật ngành Xe - Máy, lái ô tô cho toàn quân và đáp ứng một phần nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sản phẩm của nhà trường đã và đang góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật ngành Xe - Máy quân sự và được xã hội đánh giá cao, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật của nhà trường. Thực tiễn cho thấy, vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật của nhà trường mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm và coi đó là một trong những nội dung, biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong phát triển đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên chuyên môn kỹ thuật nói riêng chưa được khắc phục triệt để đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của nhà trường. Cụ thể là: Số lượng giáo viên chuyên môn kỹ thuật có thời điểm còn thiếu so với nhiệm vụ đào tạo của nhà trường; một bộ phận giáo viên không thực sự thiết tha với nhiệm vụ, có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy không được phát huy thường xuyên; cơ cấu độ tuổi không đồng đều dẫn tới khả năng thiếu hụt đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật trong thời gian tới nhất là khi nhiệm vụ đào tạo của nhà trường hàng năm không ngừng tăng lên; cơ cấu về trình độ học vấn của đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật có sự chênh lệch tương đối lớn, một số giáo viên có trình độ cao học nhưng cũng có nhiều giáo viên chỉ ở trình độ sơ cấp nên công tác bố trí, luân chuyển giáo viên rất khó khăn, chỗ thừa không bổ sung được cho chỗ thiếu. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến sự lúng túng trong giảng dạy. Về phương diện lý luận, đã có một số công trình của các nhà khoa học nghiên cứu về phát triển đội ngũ giáo viên ở các khía cạnh khác nhau như: Biện pháp bồi dưỡng giáo viên trong các trường dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên trường Trung học Phòng không; quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân… Tuy nhiên chưa có tác giả nào đi sâu nghiên cứu phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy các ngành kỹ thuật; với những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Phát triển đội ngũ giáo viên chuyên môn kỹ thuật trường Trung cấp Kỹ thuật Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật” để nghiên cứu. Đây là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Tài liệu liên quan