Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phong cách điền viên sơn thủy trong thơ nôm đường luật việt nam ...

Tài liệu Phong cách điền viên sơn thủy trong thơ nôm đường luật việt nam

.PDF
112
42
98

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------- Nguyễn Thị Thắm PHONG CÁCH ĐIỀN VIÊN - SƠN THỦY TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 23 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2012 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------- Nguyễn Thị Thắm PHONG CÁCH ĐIỀN VIÊN - SƠN THỦY TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 23 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN NGỌC QUẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2012 QUY ĐỊNH VIẾT TẮT - b: bằng - BKCG: Bảo kính cảnh giới - BVQNT: Bạch Vân quốc ngữ thi - ĐHSP: Đại học sư phạm - ĐHQG-HCM: Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - KHXH: Khoa học xã hội - Nxb: Nhà xuất bản - QÂTT: Quốc âm thi tập - Tp.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh - t: trắc - tr. Trang MỤC LỤC Dẫn luận ................................................................................ 1 Chương 1: Phong cách điền viên-sơn thủy trong thơ ca cổ trung đại Trung Quốc và diện mạo thơ điền viên-sơn thủy trong thơ Nôm Đường luật........................................... 11 1.1. Khái niệm thơ điền viên-sơn thủy và phong cách điền viên-sơn thủy ........................................................... 11 1.2. Phong cách điền viên-sơn thủy được hình thành từ thơ ca cổ trung đại Trung Quốc ................................... 13 1.3. Khái niệm thơ Nôm Đường luật và phong cách điền viên-sơn thủy trong thơ Nôm Đường luật qua các giai đoạn .................................................................... 29 Chương 2: Những biểu hiện về nội dung của phong cách điền viên-sơn thủy trong thơ Nôm Đường luật ............ 42 2.1. Hướng về thiên nhiên, cuộc sống .............................. 42 2.2. Thể hiện phong cách sống, tư tưởng ......................... 51 2.3. Thái độ ứng xử với thiên nhiên ................................. 61 Chương 3: Những biểu hiện về nghệ thuật của phong cách điền viên-sơn thủy trong thơ Nôm Đường luật ............ 72 3.1. Cách xây dựng không gian, thời gian trong thơ ........ 72 3.2. Phương thức cấu tứ trong thơ ................................... 81 3.3. Cách xây dựng hình ảnh, nhạc điệu trong thơ ........... 88 Kết luận ............................................................................... 98 Tài liệu tham khảo ............................................................. 101 -1- DẪN LUẬN 1. Tính cấp thiết của đề tài Chúng ta đã và đang hướng tới một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế những giá trị văn hoá cổ truyền, trong đó có văn học cổ cần phải được bảo tồn và phát triển. Dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về những giá trị của thơ Nôm Đường luật trong văn học trung đại nước ta nhưng nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và thoả đáng. Vì thơ Nôm Đường luật của dân tộc được coi là di sản văn hoá với nhiều giá trị khác nhau mà chúng ta chưa thể tìm hiểu và cảm thụ hết những giá trị ấy. Mảng thơ Nôm Đường luật viết theo phong cách điền viên - sơn thuỷ lại càng ít được đi sâu tìm hiểu. Nếu được tìm hiểu thì những bài viết về mảng thơ này chỉ xuất hiện rải rác trong những công trình nghiên cứu về tác giả hoặc giai đoạn văn học chứ chưa được tìm hiểu với vai trò một phong cách. Nhằm khôi phục, phát hiện ra những giá trị mới và giúp cho giới trẻ hiện nay có cái nhìn đúng đắn, bồi dưỡng tình cảm yêu mến với văn học trung đại, thơ Nôm Đường luật nói chung, thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói riêng, chúng tôi đã quyết định thực hiện đề tài: phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. 2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài Tình hình nghiên cứu những vấn đề thuộc phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam được thể hiện rải rác và lồng ghép trong những bài viết, những bài nghiên cứu về QÂTT, BVQNT, thơ Nôm Bà Huyện Thanh Quan, thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Những bài viết, những công trình nghiên cứu này được tập hợp trong những tài liệu về tác gia - tác phẩm hay một số bài viết trong lịch sử văn học… Qua khảo sát, chúng tôi thấy có một số nhận định tiêu biểu: 2.1. QÂTT của Nguyễn Trãi - Nghiên cứu về thiên nhiên trong QÂTT của nguyễn Trãi, chúng ta có một số nhận định đáng quan tâm: + Mai Trân trong “Tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi” viết: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, trở về trước, dễ thường không có ai yêu thiên nhiên, có -2- nhiều và có thơ hay về thiên nhiên như Nguyễn Trãi (…) Thơ về thiên nhiên chiếm cái phần phong phú nhất, và cũng là thành công nhất trong di sản thơ của Nguyễn Trãi” [59; tr.756]. “Cảnh vật thiên nhiên dưới ngòi bút Nguyễn Trãi sinh động lên, sống lên bằng sức sống riêng, bằng đủ đường nét, màu sắc, âm thanh, hương hoa, và lắm khi bằng đủ đặc điểm độc đáo của nó nữa” [59; tr.757]. + Nguyễn Thiên Thụ trong “Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi” đã khẳng định thiên nhiên là nguồn mỹ cảm trong sáng tác của Nguyễn Trãi: “thiên nhiên là nguồn mỹ cảm vô cùng phong phú, đã làm cho tâm hồn thi nhân rung động. Thi nhân như là một kẻ đi tìm cái đẹp, và thiên nhiên với muôn vàn vẻ đẹp đã gọi mời thi nhân thưởng thức” [59; tr.757]. Ông cũng chú nghiên cứu thái độ coi thiên nhiên là bạn của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi thực sự coi thiên nhiên là bằng hữu, là nguồn yên vui trong đời. Nguyễn Trãi thực sự hoà mình với thiên nhiên từ khi tiên sinh rời kinh đô, trở về ẩn dật ở nơi núi rừng Thanh - Tĩnh” [59; tr.757]. Trong mối quan hệ giữa thiên nhiên với tư tưởng triết học, mỹ học, Thiên Thụ cho rằng: “Dưới con mắt của Nguyễn Trãi, phần lớn những loài vật và phong cảnh thiên nhiên đã mang những biểu tượng của chân thiện mỹ” [59; tr.782]. Cụ thể: Tùng trượng trưng cho người quân tử; cúc vàng tượng trưng cho thú ẩn dật, cúc đỏ mang tính trong sạch, thanh cao; hoa mai tượng trưng cho người quân tử thanh cao, trong sạch… Trong mối quan hệ giữa thiên nhiên và thời gian, Thiên Thụ nhận xét: “Thiên nhiên đã khoác những chiếc áo màu khác nhau tuỳ theo từng thời gian. Cỏ, cây, hoa lá, núi rừng, sông hồ, bầu trời… đã thay đổi theo từng mùa, từng tháng. Những sự thay đổi đó đã làm cho lòng người đổi thay, và lòng thi nhân thêm cảm xúc” [59; tr.786]. + Đặng Thanh Lê trong bài nghiên cứu “Nguyễn Trãi và đề tài thiên nhiên trong dòng văn học yêu nước Việt Nam” đã nhận xét về đối tượng thiên nhiên được Nguyễn Trãi miêu tả: “Đặc biệt hơn, trong một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, ta thấy xuất hiện những hình tượng thiên nhiên dưới dạng thái đã được “thuần hoá” ” [59; tr.806]. - Khi nghiên cứu về “Hồn thơ Nguyễn Trãi”, Nguyễn Đức có nhận định: “Nguyễn Trãi thu nhận, chiếm lĩnh thiên nhiên và thiên nhiên cũng ghi nhận chiếm -3- lĩnh Nguyễn Trãi. Thiên nhiên giải toả tâm sự và trở thành đối tượng thẩm mỹ của Nguyễn Trãi. Thiên nhiên đồng cảm đưa lại cho Nguyễn Trãi những lạc thú, sự đầm ấm, yên tĩnh. Thiên nhiên băng bó những vết thương tinh thần và làm cho ông quên đi những biến đổi đau đớn ngoài đời. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi sinh động, giàu sắc thái” [5; tr.287, 288]. - Khi nghiên cứu một số hình ảnh thiên nhiên, một số bài thơ nổi bật trong thơ Nguyễn Trãi, các nhà nghiên cứu như Lê Trí Viễn, La Kim Liên, Bùi Văn Nguyên, Đoàn Thị Thu Vân… đã đưa ra những nhận định xác đáng và sâu sắc. Ví như, trong bài nghiên cứu về bài thơ Cảnh tình mùa hè (BKCG, bài 43), Lê Trí Viễn nhận xét về vẻ đẹp của cảnh vật và tình cảm con người trong bài thơ: “Đẹp lành và mạnh. Lại là cái nhìn tình, sắc, cái nhìn rất hiện đại, ra ngoài phép tắc cổ điển” [59; tr.642]. La Kim Liên trong bài nghiên cứu “ “Trăng” trong thơ Nguyễn Trãi” thì nhận định: “Nhìn vào thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi trong QÂTT chúng ta thấy (…) Trăng - người bạn tâm tình đã theo suốt cuộc đời tác giả - giúp ta hiểu tấm lòng của một thi nhân cách ta hơn sáu trăm năm về trước” [59; tr.645]… - Nghiên cứu về nghệ thuật thể hiện trong thơ miêu tả thiên nhiên trong QÂTT của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Thụ trong “Ảnh hưởng và địa vị của Nguyễn Trãi trong văn học Việt Nam” có nhận xét: “thơ Nguyễn Trãi cũng thể hiện những cảnh sống của chốn thôn quê nghèo nàn, với những hình ảnh rất sống thực, rất gần gũi với tâm hồn người Việt Nam” [59; tr.1107]. 2.2. BVQNT của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nghiên cứu tư tưởng trong BVQNT, Hà Xuân Liêm trong Thơ Việt Nam, Thơ Nôm Đường luật thế kỷ XV đến thế kỷ XIX có nhận xét: “Ý thơ có nhiều khuynh hướng: tả cảnh thì phóng khoáng, thanh tao, nhàn nhã; răn đời thì bình đạm mà ý vị, trào phúng lại có giọng nhẹ nhàng, kín đáo, rõ ra lời của triết nhân trải đời và hiểu tâm lý. Nhưng xét chung, tập thơ này, tư tưởng tác giả chịu ảnh hưởng triết lý vô vi của Lão Trang và triết Thanh Tĩnh của Thích Ca rất rõ rệt” [33; tr.45]. - Bàn về Thơ nhàn của Nguyễn Khiêm trong BVQNT, trong bài “Luận về Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Hà Như Chi nhận xét: “Thường thường người ta đi tìm cảnh -4- nhàn vì đã gặp nhiều sự thất bại chán nản hoặc vì đã suy nghiệm kỹ càng, nhận thấy cuộc đời không có gì đáng lưu luyến, nên tìm đến chỗ non xanh nước biếc mà yên vui qua ngày tháng. Chán đời, có tư tưởng phóng khoáng là hai yếu tố chính phù hợp với nhau để thúc giục người ta cầu nhàn. Nhưng đối với cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, yếu tố thứ hai có thể xem như là quan trọng hơn” [67; tr.469]. - Bàn về đặc điểm của cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả trong BVQNT, Lê Trí Viễn nhận định: “Thiên nhiên ở đây không có màu sắc gì rực rỡ, cũng chưa có gì ăn khớp với rung cảm sâu sắc của lòng người, mà chỉ có những màu thanh đạm, những nét đơn sơ. Tuy vậy, giữa con người và cảnh vật đã có một sự trìu mến rõ rệt. Trong văn chương ta, đó là một bước tiến” [67; tr.477]. Phạm Văn Diêu thì đánh giá: “qua cảm nghĩ và phong tư của nhà thơ nhàn dật, sự vật đã biến dạng hình, khoác màu siêu nhiên, tiên cách” [67; tr.485]. - Nghiên cứu một số tư tưởng, hình ảnh thiên nhiên nổi bật trong một số bài thơ của BVQNT, Trần Đình Sử trong “Bài thơ “Khôn - dại”” phân tích: “Nhà thơ tôn sùng các tấm gương bỏ công danh đi ở ẩn như Sào Phủ, Hứa Do, Bá Di, Thúc Tề, Nghiêm Quang, Lã Vọng (…) Đây là bài thơ thể hiện cái chí từ bỏ công danh, sống dưa muối đạm bạc của mình” [67; tr.607, 608]. - Nghiên cứu về “Phong cách thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Phan Ngọc nhận xét: “Nguyễn Bỉnh Khiêm có một số môtíp, các môtíp ấy lặp đi lặp lại trong các bài thơ (…) môtíp vui với thiên nhiên lặp lại 59 lần. Điều đáng chú ý là cái thú của cuộc sống cũng như việc vui với thiên nhiên rất bình dị, có ngay trong nông thôn chẳng cần phải đi đâu xa, chẳng phải từ bỏ xã hội mới có được” [67; tr.585]. 2.3. Thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan - Khi nhìn nhận về sáu bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan, Trần Thị Băng Thanh có sự đánh giá: “Nhìn lại, cả sáu bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan đều thuộc loại thơ đề vịnh. Đó là mấy bức tranh thuỷ mặc chấm phá mà bằng tài hoa riêng, nữ sĩ đã nêu được những nét đặc trưng, tiêu biểu. Nó đem đến cho người đọc ấn tượng về một cảnh sắc vừa cụ thể hiện hữu, vừa ước lệ vĩnh hằng” [4; tr.75]. -5- - Khi phân tích từng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nhà nghiên cứu cũng lồng vào đó một số nhận định về cảnh vật và nghệ thuật miêu tả. Ví như trong khi phân tích Thăng Long thành hoài cổ, Trần Thị Băng Thanh nhận xét: “Lại một bức tranh thuỷ mặc với mấy nét chấm phá không phải về một buổi chiều mà là về một bức thành cổ: thành Thăng Long xưa” [49; tr.260, 261]. - Nhận định về nghệ thuật thể hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Lộc viết: “Cảnh bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thuỷ mặc, chấm phá… Hơn nữa nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình (…) ở đó, niêm luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu” [36; tr.75]. 2.4. Thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Khuyến - Thơ Nôm Đường luật viết về cảnh sắc thiên nhiên và cảnh vật nông thôn của Nguyễn Khuyến, có những nhận định: + Nguyễn Phương Chi nhận xét: “Chỗ độc đáo, hơn người của ông là mảng thơ viết về nông thôn, bao gồm những bài thơ về con người, cảnh vật thiên nhiên, về phong tục tập quán” [31; tr.363]. + Lê Chí Dũng nhận định trong “Sáng tạo trong thơ luật Đường”: “Nguyễn Khuyến đã mang lại cho thơ Nôm Đường luật cảnh sắc của quê hương nhà thơ, sự khu biệt về sắc thái của cảnh vật và tâm hồn” [31; tr.389]. + Mã Giang Lân trong “Cảm nhận Nguyễn Khuyến” cũng đánh giá: “Cảnh trí thiên nhiên của một miền quê yên tĩnh thấm đậm trong thơ ông (Nguyễn Khuyến)” [31; tr.74]. + Vũ Thanh trong “Nguyễn Khuyến - thi hào dân tộc” có nhận xét: “Nguyễn Khuyến là nhà thơ viết về nông thôn số một của văn học dân tộc” [31; tr.213]. -6- + Nguyễn Lộc trong “Nguyễn Khuyến - một phong cách thơ lớn” giải thích: “Gọi Nguyễn Khuyến là nhà thơ nông thôn (…) vì ông viết với tình cảm, với sự trăn trở lo âu của con người ở nông thôn thực sự, mà chủ yếu là của người nông dân” [31; tr.51]. + Nguyễn Văn Hoàn nhận xét: “Thơ đề vịnh của Nguyễn Khuyến đã vượt qua những sáo mòn của thi ca cổ để mô tả những cảnh thực, tình thực, những hình ảnh cụ thể, hiện thực của cảnh sắc Việt Nam” [68; tr.134]. + Trần Nho Thìn trong “Từ những biến động trong nguyên tắc phản ánh thực tại của văn chương nhà nho đến bức tranh sinh hoạt nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến” cũng nhận định về cái mới trong thơ miêu tả mùa thu của Nguyễn Khuyến: “Nguyễn Khuyến đã thoát được ám ảnh của những hình tượng tả mùa thu truyền thống như lá ngô đồng, tiếng chày đập vải may áo gửi người đi chinh thú, nhạn về ải bắc, hơi lạnh heo may để đưa vào thơ thu những ao chuôm, xóm ngõ, tre pheo, ao bèo của đồng đất quê ông” [70; tr.569]. - Khi phân tích những bài thơ Nôm Đường luật về đề tài thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, những nhà nghiên cứu cũng có nhiều nhận định. Ví như Hoàng Hữu Yên khi phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến có viết: “Cả ba bài thơ đều viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Mỗi bài thơ là một phác thảo với nét bút của hội hoạ Phương Đông, không rườm rà loè loẹt mà cũng không gò bó, khuôn sáo. Nhà thơ - hoạ sĩ họ Nguyễn đã đưa về một vùng chân quê quanh năm ngập nước của đất Hà Nam đầu thế kỷ này vào độ thu sang” [49; tr. 287]. - Nghệ thuật miêu tả trong thơ Nôm viết về đề tài điền viên - sơn thuỷ của Nguyễn Khuyến được đánh giá: “Thơ Nguyễn Khuyến “sờ tận mặt bắt tận tay” thế giới bên ngoài (…) cảnh vật quy tụ trọn vẹn vào chữ nghĩa hiện hình -7- toàn diện” [68; tr.309] và thơ Nguyễn Khuyến cũng “đạt đến đỉnh cao của sự hoà trộn tài tình cảnh vật khách quan và tình cảm gắn bó với quê hương đất nước” [68; tr.346]. Từ những ý kiến, nhận định đã nêu ở trên, chúng ta thấy việc nghiên cứu vấn đề phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ riêng lẻ trong từng tác giả, từng giai đoạn văn học và ở từng khía cạnh nhất định. Vẫn còn đó nhiều vấn đề của một phong cách cần phải giải quyết. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của những người đi trước, kết hợp với sự tổng hợp, tìm tòi, khám phá riêng của bản thân, chúng tôi quyết định thực hiện đề tài: Phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. 3. Mục đích nghiên cứu Thực hiện đề tài phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam, chúng tôi hướng đến những mục đích sau đây: - Tìm hiểu sự ảnh hưởng từ tư tưởng cho đến đề tài, chủ đề, cảm hứng sáng tác, thi pháp thể hiện trong phái thơ điền viên - sơn thuỷ của Trung Quốc đến thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. - Cho thấy quá trình hình thành và phát triển của thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. - Khám phá những thể hiện về nội dung, tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam thời trung đại đối với thiên nhiên, xã hội, con người, nghệ thuật, tôn giáo… thông qua những bài thơ Nôm Đường luật theo phong cách điền viên - sơn thuỷ. - Phát hiện những điểm độc đáo trong nghệ thuật thể hiện của thơ Nôm Đường luật theo phong cách điền viên - sơn thuỷ. - Cho thấy một số nét đặc trưng của phong cách thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Việt Nam. - Tìm ra cái hay, cái đẹp cùng giá trị, ý nghĩa… của phong cách thơ điền viên sơn thuỷ trong nền văn hoá và tiến trình lịch sử của văn học dân tộc. -8- - Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, thái độ… cho giới trẻ hiện nay để họ có tình cảm yêu mến, có cái nhìn đúng đắn cùng thái độ trân trọng và ý thức bảo tồn những giá trị tốt đẹp của phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói riêng, văn học trung đại Việt Nam nói chung. 4. Đối tượng, phạm vi đề tài và tư liệu nghiên cứu - Có thể nói các tác giả sáng tác thơ Nôm Đường luật đều có tác phẩm viết về điền viên - sơn thuỷ nhưng không phải tác giả nào trong số đó cũng thuộc phái thơ điền viên - sơn thuỷ mà chỉ có những tác giả đã hình thành cho mình một phong cách điền viên - sơn thuỷ. Những tác giả thuộc phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam gồm: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Khuyến. Do đó, đối tượng nghiên cứu của luận văn là những bài thơ Nôm Đường luật viết theo phong cách điền viên - sơn thuỷ của những tác giả nêu trên. - Phạm vi nghiên cứu của luận văn là những vấn đề thuộc về phong cách của những bài thơ Nôm Đường luật viết về đề tài điền viên - sơn thuỷ của văn học trung đại Việt Nam. - Tư liệu nghiên cứu của luận văn gồm: những văn bản thơ Nôm Đường luật được xuất bản trong những tuyển tập thơ trung đại Việt Nam, những tuyển tập thơ của những tác giả được nghiên cứu; những chuyên luận, những công trình sưu tầm, nghiên cứu, những bài viết trên tạp chí, những trang báo điện tử; những luận văn, luận án của những người đi trước có liên quan đến một trong những vấn đề thuộc về phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu về đề tài Phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam, chúng tôi sử dụng những phương pháp chính yếu sau: - Phương pháp so sánh đối chiếu: trong chừng mực nhất định, chúng tôi có so sánh, đối chiếu giữa thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật với thơ điền viên - sơn thuỷ của thơ ca cổ trung đại Trung Quốc và giữa thơ điền viên - sơn thuỷ của các tác giả trong thơ Nôm Đường luật để cho thấy sự ảnh hưởng, tiếp thu, -9- biến đổi trong phong cách thơ điền viên - sơn thuỷ từ Trung Quốc đến Việt Nam, thấy được sự giống và khác nhau trong phong cách thơ của các nhà thơ theo phong cách thơ này. - Phương pháp phân tích - tổng hợp: phân tích những dẫn chứng được lựa chọn và nhận định lại những đặc điểm chung được tạo nên từ việc phân tích những dẫn chứng đó để thấy được những nét riêng và nét chung trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của phong cách thơ. - Phương pháp lịch sử: tìm về nguồn cội của phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ cổ trung đại Trung Quốc qua một số phong cách tiên phong tiêu biểu và lịch trình tiếp thu, sáng tạo của các tác giả thuộc phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật để thấy được sự phát triển của phong cách thơ từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ giai đoạn văn học trước đến giai đoạn văn học sau… - Phương pháp hệ thống cấu trúc: chọn được bốn tác giả thuộc bốn giai đoạn khác nhau của văn học trung đại Việt Nam để đưa vào khảo sát cho đề tài luận văn của mình, chúng tôi không phân tích trên từng tác giả cụ thể mà lựa chọn, sắp xếp dẫn chứng theo hướng hướng vào những vấn đề về nội dung và nghệ thuật chủ yếu để từ đó tìm ra những đặc điểm chung cho phong cách. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn - Về mặt lý luận: luận văn góp phần tìm hiểu những vấn đề về diễn trình lịch sử, nội dung, tư tưởng và hình thức nghệ thuật của phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam. - Về mặt thực tiễn: luận văn góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam; từ đó thấy được giá trị của phong cách thơ này trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam xưa nay. Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về thơ điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật nói riêng và thơ văn trung đại Trung Quốc, Việt Nam nói chung. 7. Cấu trúc của luận văn - 10 - Ngoài phần dẫn luận, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn gồm 3 chương với những nội dung chủ yếu như sau: Chương 1: nêu ra một số khái niệm làm nền tảng cho việc nghiên cứu của đề tài; tìm hiểu tiến trình hình thành và phát triển của phong cách điền viên - sơn thuỷ từ văn học cổ trung đại Trung Quốc đến thơ Nôm Đường luật Việt Nam. Chương 2: tìm hiểu một số biểu hiện cơ bản về nội dung trong phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật như hình ảnh con người, thiên nhiên, cuộc sống.. Chương 3: tìm hiểu một số biểu hiện cơ bản về mặt nghệ thuật được thể hiện trong phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật như: cách xây dựng không gian, thời gian; phương thức lồng ghép thi - hoạ, nhạc… - 11 - CHƯƠNG 1 PHONG CÁCH ĐIỀN VIÊN - SƠN THUỶ TRONG THƠ CA CỔ TRUNG ĐẠI TRUNG QUỐC VÀ DIỆN MẠO THƠ ĐIỀN VIÊN - SƠN THUỶ TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT 1.1. Khái niệm về thơ điền viên - sơn thuỷ và phong cách điền viên - sơn thuỷ 1.1.1. Khái niệm thơ điền viên - sơn thuỷ Thơ điền viên - sơn thuỷ là một trong những thể tài có thật trong văn học Việt Nam, Trung Quốc xưa nay. Vậy thế nào là thơ điền viên - sơn thuỷ? Trần Trung Hỷ, nhà nghiên cứu Văn học Trung Quốc của Việt Nam cho rằng: “Thơ sơn thuỷ là một thể tài độc lập của thơ ca, lấy thiên nhiên làm đối tượng thẩm mỹ chủ yếu, thông qua miêu tả cảnh vật để bộc lộ tâm tình” [25; tr.8]. Ông cũng cho rằng: “Thơ điền viên là loại thơ lấy cảnh nông thôn, loại cảnh quan nhân vi (tức cảnh vật do bàn tay con người tái tạo sắp xếp) làm đối tượng thẩm mỹ chính, về tâm lý tỏ ra an nhiên, tự tại, ổn định” [25; tr.11]. Lời Tiền ngôn sách Sơn thuỷ thi ca giám thưởng từ điển của Trung Quốc thì giải thích: “Gọi là thơ sơn thuỷ, tức là loại thơ lấy cảnh sơn thuỷ tự nhiên làm đề tài. Nó viết về núi sông, về trời đất bao la, không chỉ đơn thuần miêu tả một cành hoa, một phiến đá, một cánh chim… tức chỉ là cảnh tự nhiên một cách khách quan mà là cảnh tự nhiên đã được thi nhân chủ quan hoá” [25; tr.8]. Ngũ Ngao Phủ, một nhà nghiên cứu văn học đương đại của Trung Quốc cũng nhận định: “Thơ sơn thuỷ nói chung là phải ưu tiên cho việc miêu tả tự nhiên cảnh vật, sau đó thì tả tâm tình, mượn cảnh trữ tình, tình cảnh hợp nhất” [25; tr.10]. Theo như ý nghĩa của từ ngữ trong khái niệm, chúng tôi hiểu thơ điền viên là thơ miêu tả về cảnh vật ruộng vườn nơi thôn quê; thơ sơn thuỷ là thơ miêu tả vẻ đẹp của núi sông tức phong cảnh thiên nhiên. Thi nhân xưa nay tả cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà họ thường gởi gắm vào đó những thái độ sống, những tâm tư, tình cảm, những ước mơ, khát vọng... của mình. - 12 - Từ những cơ sở trên, chúng tôi nhận thấy: thơ điền viên - sơn thuỷ là loại thơ lấy phong cảnh thiên nhiên và cảnh vật ruộng vườn, nông thôn làm đối tượng thẩm mỹ chính, thông qua miêu tả cảnh vật để thể hiện tâm tư, tình cảm, phong cách sống, thái độ sống của tác giả. 1.1.2. Khái niệm phong cách điền viên - sơn thuỷ Phong cách trong phong cách điền viên - sơn thuỷ là một khái niệm thuộc về phạm trù của phong cách văn học, phong cách văn chương hay phong cách nghệ thuật chứ không phải một phong cách chung chung nào đó. Bàn về phong cách, nhà nghiên cứu Biện Minh Điền cho rằng: “nét chung, nghĩa phổ quát của phong cách là chỉ cấu trúc với “kiểu”, “vẻ” riêng, với những đặc trưng khá ổn định, bền vững, mang tính độc đáo của đối tượng được bàn đến” [11; tr.29]. Ông cũng cho rằng: “phong cách là biểu hiện độc đáo của tài năng sáng tạo nghệ thuật, có tính thống nhất và tương đối ổn định, được “lặp đi lặp lại” trong nhiều tác phẩm của nhà văn, thể hiện cái nhìn và sự chiếm lĩnh nghệ thuật độc đáo của nhà văn đối với con người và thế giới” [11; tr.38]. Bàn về phong cách tác giả, Biện Minh Điền có quan niệm: “phong cách tác giả là cả một hệ thống những đặc điểm tạo nên tính độc đáo của một hiện tượng nghệ thuật” [11; tr.39] và “một phong cách (…) cũng mang dấu ấn dân tộc và dấu ấn thời đại” [11; tr.40]. Không ngoài hướng nhận định trên, Phan Ngọc cho rằng: “phong cách là sự lặp đi lặp lại của một chùm những nét khu biệt để lại trong óc người đọc một ấn tượng nào đó” [43; tr.11]. Trong mối quan hệ giữa phong cách và nội dung tác phẩm, Phan Ngọc nhấn mạnh: “trong phong cách có nội dung, nhưng nội dung được xây dựng theo cái hình thức riêng thích hợp với phong cách này” [43; tr.13]. Trong cái nhìn chung, Phan Ngọc khẳng định: “phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử, và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, một tác phẩm, hay một tác giả” [43; tr.31]. Ông giải thích: phong cách không phải trùng với thời đại mà mỗi thời đại chỉ có được phong cách của mình sau khi đã có được một cách khám phá riêng cho nó mà đời trước chưa có và phong cách này có giá trị cao, được đời - 13 - sau học tập; phong cách không phải là đồng nhất với hình thức bởi vì phong cách chứa đựng cái nhìn đối với hiện thực; phong cách không đồng nhất với thể loại mà thể loại cũng phải đạt đến một cách nhìn riêng của nó, lúc đó mới có phong cách. Ông cũng giải thích thêm: phong cách là một hiện tượng thuộc văn hoá lịch sử chứ không phải thu lại trong một vài quy tắc về hiện thực; một tác giả có phong cách riêng khi tác giả đó thực hiện được một sự đổi mới trong việc kế thừa, để đẩy sự kế thừa sang một bước mới. Ở Việt Nam, phong cách điền viên - sơn thuỷ trong thơ Nôm Đường luật không phải là một phong cách độc lập, tồn tại bên cạnh những phong cách lớn khác như ở Trung Quốc mà tồn tại trong sự nghiệp sáng tác của một số tác giả (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến). Tuy nhiên, xem xét trong một chừng mực nhất định, chúng tôi có thể khẳng định trong thơ Nôm Đường luật của một số tác giả trên đã hình thành nên phong cách điền viên - sơn thuỷ. Điền viên gợi ra cảnh ruộng đồng, làng quê, thôn xóm, cuộc sống ẩn dật với nét giản dị, bình dân, mộc mạc. Còn sơn thuỷ gợi ra cảnh núi sông, cảnh vật thiên nhiên hùng tráng mang vẻ thanh thoát, tự do, phiêu lãng. Những tác giả của phong cách điền viên - sơn thuỷ thường là những vị quan do chán ngán thời thế mà lui về sống ẩn dật như Đào Uyên Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… hoặc ngao du sơn thuỷ như Lý Bạch. Thơ điền viên - sơn thuỷ của những tác giả đó đều mang nét chung: giản dị, tự nhiên, chất phác, thanh tân, nhàn nhã, ung dung, tự tại… Do đó, phong cách điền viên - sơn thuỷ là một phong cách mang vẻ thanh nhã, u nhàn, thoát tục… trong việc hướng về cuộc sống ẩn dật, tự do, thư thái. 1.2. Phong cách điền viên - sơn thuỷ được hình thành từ thơ ca cổ trung đại Trung Quốc 1.2.1. Những phong cách điền viên - sơn thuỷ tiên phong tiêu biểu Nhắc đến những tác giả tiên phong tiêu biểu cho phong cách thơ điền viên - sơn thuỷ cổ trung đại Trung Quốc, chúng ta không thể không nhắc đến Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Lý Bạch, Liễu Tông Nguyên, Lý - 14 - Thương Ẩn… vì đây là những tác giả có công khơi nguồn, phát triển, hoàn thiện và đưa thơ điền viên - sơn thuỷ lên đến đỉnh cao của phong cách. 1.2.1.1. Đào Uyên Minh và Tạ Linh Vận - Đào Uyên Minh (365 - 427) tức Đào Tiềm, tự Nguyên Lượng, người Tầm Dương, Sài Tang (Cửu Giang, Giang Tây ngày nay). Ông sống vào đời Đông Tấn thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều. Ông là người học rộng tài cao, từng nhiều lần ra làm quan nhưng suốt đời sống trong nghèo khổ vì ông không chịu luồn cúi, khom lưng dưới năm đấu gạo. Ông có tính tình thanh cao, chất phác, ngay thẳng, yêu thích tự do, không ham danh lợi. Ông chỉ để lại hơn 100 bài thơ nhưng sự nghiệp thơ ca của ông lại có vị trí rất quan trọng trong lịch sử thơ ca Trung Quốc vì ông được xem là ông tổ của phái thơ điền viên hay thơ ẩn dật Trung Quốc. Cũng vì thế, thơ ông mang đậm màu sắc thoát ly của Đạo gia “Hộ đình vô trần tạp” (Trước nhà không có cảnh phiền tạp của cuộc đời) (Quy điền viên cư, bài 1) [12; tr.281]. Thơ điền viên của Đào Uyên Minh kế thừa được phong cách chất phác của thơ ca truyền thống và phát huy yếu tố đó lên đến đỉnh cao của sự giản dị. Trong số tác phẩm của ông, những bài vịnh ca cảnh sắc nông thôn được truyền tụng nhiều nhất với một số tác phẩm tiêu biểu như: Quy điền viên cư, Quy khứ lai từ, Đào hoa nguyên ký, Khuyến nông, Ẩm tửu, Di cư… Đặc điểm nổi bật trong thơ ông là sự “hoà tan triết lý vào trong hình tượng” [19; tr.529]. Thơ ông mang phong cách thanh đạm, nhàn viễn, có sự thống nhất, hoà hợp giữa con người và thiên nhiên thông qua những câu chữ vừa lưu loát vừa chất phác trong ý thức luôn chú ý bồi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và cuộc sống điền viên. Trong số đó có những bài ngợi ca vẻ đẹp của ruộng vườn thôn dã cùng tình yêu lao động: “Thái cúc đông ly hạ, Du nhiên kiến Nam sơn”. (Hái cúc dưới hàng dậu phía đông, Bồi hồi trông thấy núi Nam Sơn). (Ẩm tửu, bài 5) [12; tr.280] - 15 - Và có cả những vần thơ xót xa, thương cảm về cảnh làng xóm thôn quê trong cảnh tiêu điều, xơ xác hay cảnh người nông dân làm ăn gặp nhiều khó khăn: “Chủng đậu Nam sơn hạ, Thảo thịnh đậu miêu hy”. (Trồng đậu dưới núi Nam, Đậu thưa cỏ dại tốt). (Quy điền viên cư, bài 3) [19; tr.507]. Thái độ, tư tưởng trong phong cách sống và sáng tác của Đào Uyên Minh có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ các nhà thơ của Trung Quốc, Việt Nam các thời sau. Khí tiết thanh cao, coi khinh quyền quý kiểu “Tâm viễn địa tự thiên” (Tâm hồn muốn xa rời cuộc sống ồn ào) (Ẩm tửu, bài 5) [12; tr.279] để “Phục đắc phản tự nhiên” (Trở về với tự nhiên) (Quy điền viên cư, bài 1) [12; tr.281] của ông đã được Lý Bạch, Cao Thích, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… đón nhận một cách nồng nhiệt. Những vị này theo gương của Đào Uyên Minh mà từ bỏ vinh hoa phú quý, sống cuộc đời tự do, tự tại. Thơ ca của họ cũng mang đậm tư tưởng sống giản dị, thanh cao của thơ Đào Uyên Minh như tư tưởng “Áo mặc nài chi gấm là” của Nguyễn Trãi, “Cơm ăn chẳng quản mùi xoa bạc” của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cảm hứng “Thơ Đào cửa miệng đưa câu rượu” của Nguyễn Khuyến... Tư tưởng vui với đạo tự nhiên, sống an phận của Đào Uyên Minh cũng được Bạch Cư Dị, Tô Thức, Nguyễn Bỉnh Khiêm… tiếp thu và thực thi. Ví như, Nguyễn Bỉnh Khiêm không ít lần nhắc đến “dạ tự nhiên”, “phận tự nhiên”, “tính tự nhiên” trong thơ Nôm Đường luật theo phong cách điền viên - sơn thuỷ của mình. Cái vẻ giản dị, không cầu kỳ gọt giũa trong phong cách nghệ thuật của thơ Đào Uyên Minh cũng được các thế hệ thơ sau hoan nghênh. Lý Bạch, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Mai Thánh Du, Hoàng Tông Hiến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… không ít thì nhiều đều chịu ảnh hưởng từ phong cách thơ Đào Uyên Minh. Mai Thánh Du đời Tống đã lấy thơ họ Đào làm gương mà chống gọt giũa câu chữ: “Quê kệch thà noi theo Đào lệnh, Tân kỳ đừng bắt chước Mạnh - 16 - Giao” (Uyển Lăng thi tập) [76; tr.305]. Chủ trương “tay viết theo mồm nói” của Hoàng Tông Hiến đời Thanh cũng là bắt chước sự tự nhiên trong nghệ thuật thể hiện của thơ Đào Uyên Minh. Nét bình dị, tự nhiên trong cách thể hiện của các bài thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến cũng là từ sự ảnh hưởng, bắt chước này mà ra. Và dù bắt chước nhưng họ tự thấy thơ mình không thể bằng thơ Đào Uyên Minh, nên “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” (Nguyễn Khuyến). - Nếu Đào Uyên Minh được coi là ông tổ của dòng thơ điền viên thì Tạ Linh Vận được xem là người mở đường cho dòng thơ sơn thuỷ. Tạ Linh Vận (385 - 433) sống vào đời Tấn, Tống thuộc thời Nam Triều. Ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống sống gần gũi và yêu thích thiên nhiên. Ông có tính tình phóng khoáng, từng ra làm quan nhưng rồi bất đắc chí nên từ chức đi ngao du sơn thuỷ. Ông là một nhà thơ lớn của thời đại. Thơ ông hiện còn lưu truyền khoảng hơn 100 bài. Trong đó, chủ yếu là thơ viết về đề tài sơn thuỷ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Thạch bích tịnh xá hoàn hồ trung tác, Tùng cân trúc giản, Nhập Bành Lãi hồ khẩu, Đăng trì thượng lâu, Tuế mộ, Quá thuỷ ninh dã, Du nam đình, Đăng thượng thú thạch cổ sơn… Thơ sơn thuỷ của Tạ Linh Vận được sáng tác theo khuynh hướng miêu tả thực cảnh với những đặc điểm chung về nội dung và nghệ thuật: “Trước tiên là cảm thụ sơn thuỷ một cách tổng thể, thứ đến là miêu tả cảnh vật sở kiến một cách cụ thể và cuối cùng là biểu lộ một cách nhìn về thế giới mang ý vị triết lý theo vũ trụ quan và nhân sinh quan Huyền kết hợp với Phật” [25; tr.24] và “có sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa sự cảm thụ khách quan với chủ quan, cảnh lại luôn thay đổi, di động (…) Cảm quan thẩm mỹ cũng rất phong phú, thay đổi theo đối tượng chiêm ngưỡng” [25; tr.25]. Rất dễ dàng để nhận thấy những đặc điểm trên trong sáng tác của ông như: những vần thơ miêu tả thực cảnh, phản ánh sống động vẻ đẹp của núi sông. Đó là cảnh vật khách quan: “Nhật mạt giản tăng ba, Vân sinh lĩnh du điệp”.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan