Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Luyện thi Đại học - Cao đẳng TÊN CHUYÊN ĐỀ TÁC PHẨM NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ CỦA NGUYỄN TUÂN...

Tài liệu TÊN CHUYÊN ĐỀ TÁC PHẨM NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ CỦA NGUYỄN TUÂN

.DOC
24
17779
111

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT LÊ XOAY =======  ======= CHUYÊN ĐỀ ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN: NGỮ VĂN TÊN CHUYÊN ĐỀ: TÁC PHẨM NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ CỦA NGUYỄN TUÂN Người viết: Dương Thị Khu Chức vụ: Giáo viên Đơn vị công tác: Trường THPT Lê Xoay Vĩnh Tường, tháng 03 năm 2014 1 CHUYÊN ĐỀ ÔN THI ĐẠI HỌC NGỮ VĂN 12 TÁC PHẨM: NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ - NGUYỄN TUÂNNgười viết: Dương Thị Khu Chức vụ: Giáo viên Đơn vị công tác: Trường THPT Lê Xoay Đối tượng bồi dưỡng: Học sinh lớp 12 Số tiết bồi dưỡng: 10 tiết A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHUYÊN ĐỀ Giúp HS: - Nắm chắc và phân tích được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. + Cảm nhận được vẻ đẹp của con sông Đà và hình tượng người lái đò.Từ đó hiểu được tình yêu, sự đắm say của Nguyễn Tuân đối với thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc tổ quốc. + Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, sự tài hoa, uyên bác của nhà văn - Rèn luyện kỹ năng tái hiện kiến thức, kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm tùy bút, kỹ năng làm bài so sánh... - Nắm và phân biệt được các dạng đề, từ đó biết cách xử lý các dạng đề. B. NỘI DUNG I. Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề - Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, kiến thức về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, bài tập nâng cao, phần đọc thêm... - Kiến thức về tác phẩm qua các tài liệu tham khảo và hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên. - Các đề thi Đại học trong các năm gần đây. II. Hệ thống các dạng đề: - Tái hiện kiến thức cơ bản của tác phẩm. - Phân tích nhân vật. - Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. - Cảm nhận một khía cạnh nào đó hoặc một đoạn văn trong tác phẩm. - Kiểu bài so sánh. III. Hệ thống các phương pháp: - Phân loại các dạng đề theo cấu trúc đề thi Đại học trong những năm gần đây. - Tổ chức hệ thống kiến thức cơ bản, ôn luyện và hướng dẫn làm một số dạng đề thường gặp trong các kỳ thi Đại học. 2 - Vận dụng phương pháp đàm thoại, tổ chức, hướng dẫn học sinh cách làm các dạng đề. - Trong quá trình dạy GV có thể đọc một số đoạn văn mẫu, bài văn mẫu cho HS tham khảo. IV. Hệ thống các dạng đề cụ thể 1. Hệ thống đề 2,0 điểm Đề 1: “...không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người...”(1) “... mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi...”(2) 1. Ghi rõ những câu văn trên trích trong tác phẩm nào, của ai? 2. Hình ảnh dòng sông trong hai câu văn trên có gì độc đáo, đặc sắc? 1. Những câu văn trên trích trong tác phẩm nào, của ai? - Đoạn trích (1) nằm trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. - Đoạn trích (2) nằm trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. 2. Hình ảnh dòng sông trong hai câu văn trên có gì độc đáo, đặc sắc? - Sông Đà được so sánh như sợi dây thừng ngoằn ngoèo gợi vẻ đẹp nam tính, cứng cỏi. - Sông Hương được so sánh mềm như tấm lụa gợi vẻ đẹp nữ tính mềm mại, dịu dàng. Đề 2: Trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra những đặc điểm nào của sông Đà? Những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc nào được Nguyễn Tuân vận dụng để làm nổi bật những phát hiện ấy? 1. Trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra nhiều đặc điểm của sông Đà: - Ông thấy mọi con sông đều chảy về phía đông, riêng con sông Đà chảy một mình lên phía bắc. - Ông phát hiện ra hai nét tính cách của con sông Đà: hung bạo và trữ tình. Đặc biệt ông phát hiện ra hình ảnh con sông “tuôn dài như một áng tóc trữ tình”, người lái đò trên sông là một nghệ sĩ, một dũng sĩ... đó chính là những biểu hiện sinh động cho nét đẹp nổi bật của sông Đà là hung bạo và trữ tình. 2. Những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc được Nguyễn Tuân vận dụng để làm nổi bật những phát hiện ấy. - Để làm nổi bật tính chất hung bạo và trữ tình của con sông, tác giả đã vận dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật. Đầu tiên phải kể đến thủ pháp nghệ thuật nhân hóa: Đá trên thác sông Đà mai phục, hung dữ bày “thạch trận” để tiêu diệt bất 3 cứ con thuyền nào dám vượt thác. Nước thì rống lên còn vào hùa với đá để đánh những miếng đòn “ hiểm độc nhất”. + Nghệ thuật trùng điệp và miêu tả giúp Nguyễn Tuân thể hiện rõ tính chất trữ tình của con sông “ tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Con sông đẹp với mùa xuân nước xanh ngọc bích, mùa thu về thì lừ lừ chín đỏ. + Nhà văn còn sử dụng nhiều cách so sánh những hình ảnh của đá, của nước, của thác với con thuyền, người lái đò,...Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, cuộc vượt thác hiện lên như một trận thủy chiến,...=> Tất cả làm cho bài tùy bút sống động và hấp dẫn. Đề 3: Qua tác phẩm Người lái đò sông Đà, anh/ chị có nhận xét gì về đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân? Qua tác phẩm Người lái đò sông Đà, người đọc thấy đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là uyên bác, tài hoa. Để nói về con sông Đà Nguyễn Tuân đã dẫn thơ cổ, dẫn thơ Lý Bạch, thơ của Brô-ni-xki(Ba Lan). Ông vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, hội họa, điện ảnh, quân sự để viết về con sông hung dữ và thơ mộng. Ông luôn có cảm hứng đặc biệt trước những hiện tượng phi thường, gây cảm giác mạnh. Bao giờ ông cũng say mê khám phá và thưởng thức cái đẹp. Vẻ đẹp hung dữ và thơ mộng của sông Đà làm cho nhà văn say mê. Vẻ đẹp của ông lái đò bình dị nhưng khi vượt thác thì như một viên tướng tài ba, điêu luyện. Nhà văn nhìn cảnh vật thiên về phương diện mỹ thuật và khám phá vẻ đẹp của con người thiên về phương diện tài hoa. Để làm nổi bật tính chất hung bạo và trữ tình của con sông Đà, tác giả đã vận dụng và kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật: nhân hóa, so sánh, tưởng tượng, huy động vốn hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực ... Đề 4: Anh/ chị hãy nhận xét về sức tưởng tượng sáng tạo của Nguyễn Tuân trong đoạn tả cuộc chiến đấu của người lái đò với thác dữ Nguyễn Tuân đã thể hiện trí tưởng tượng và năng lực sáng tạo mãnh liệt trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Đặc biệt là đoạn tả cuộc vượt thác sông Đà, được ông ví như cuộc chiến đấu với con sông hung dữ. Đó là hình dung về thác nước với cái tiếng réo đặc biệt: “ Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lủa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Sau nước là đá. Đá sẵn sàng nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mỗi hòn đá một dáng vẻ. Chúng bày thạch trận trên sông chia làm nhiều tuyến, chủ động tiêu diệt tất cả những ai trên thuyền ngay ở chân thác. 4 Nước và đá phối hợp với nhau để dánh tan con thuyền của ông lái đò. Chúng hung hăng hò la, liều mạng đá trái, thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Trùng vi thạch trận lắt léo. Vòng đầu bốn cửa tử, một cửa sinh. Vòng sau lại tăng thêm nhiều cửa tử và cửa sinh lại lệch qua bờ hữu ngạn. Vòng ba, bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Người lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, đã chống trả quyết liệt đòn hồi lùng, đòn tỉa, đòn âm của chúng, đã khôn khéo, tỉnh táo thay đổi chiến thuật. Và cuối cùng bỏ lại những luồng tử, đi tới đoạn sông hết thác, thanh bình. Cuộc chiến đấu vượt thác của người lái đò là cả một trận đánh ác liệt hào hùng với bao nhiêu tình huống gây cấn, nhưng cuối cùng, thắng lợi thuộc về người lái đò. Và thắng lợi cũng thuộc về trí tưởng tượng sáng tạo phong phú, độc đáo của nhà văn. Đề 5 Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân từng nhìn “sông Đà như một cố nhân”. Người cố nhân ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì? 1. Tính nết của người “cố nhân”: - Có những tính nết thất thường: lắm chứng lắm bệnh, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy. 2. Ý nghĩa của cách ví von - Làm cho hình tượng sông Đà hiện lên như một con người, cụ thể như một cô gái có cá tính mạnh; nhằm làm nổi bật vẻ đẹp gợi cảm của sông Đà. - Thể hiện tình cảm gắn bó đặc biệt của nhà văn đối với con sông Đà. - Đây là cách ví von độc đáo đầy chất tạo hình, xuất phát từ một năng lực liên tưởng phóng túng, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của trang viết. 2. Hệ thống đề 5,0 điểm Đề 1: Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, qua đó nêu lên những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm 1. Giới thiệu: - Người lái đò sông Đà là thiên tùy bút đặc sắc in trong tập Sông Đà, xuất bản năm 1960 của Nguyễn Tuân. Trong thiên tùy bút này, Nguyễn Tuân không chỉ ca ngợi con người lao động Tây bắc “ thứ vàng mười đã qua thử lửa” mà còn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của con sông Đà: vừa dữ dội hung bạo, vừa thơ mộng trữ tình. 2. Phân tích hình tượng con sông Đà - Sông Đà là một con sông độc đáo. Sự độc đáo của dòng sông thể hiện qua hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích được Nguyễn Tuân trích dẫn ở phần đề từ của tác phẩm: “Chúng thủy giai đông tẩu- Đà giang độc bắc lưu” (có nghĩa mọi dòng sông đều chảy về hướng đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng bắc). Dưới ngòi bút tài 5 hoa, uyên bác của Nguyễn tuân, Sông Đà hiện lên như một nhân vật sống động với hai tính cách nổi bật: hung bạo và trữ tình. a. Tính cách hung bạo: - Ở phía thượng nguồn sông Đà có những quãng thật hiểm trở. Đó là cảnh đá bờ sông “dựng vách thành”, mặt sông chỗ ấy “đúng ngọ mới có mặt trời”, có những vách đá dựng đứng cao vút chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Đứng bờ bên này nhẹ tay ném hòn đá sang bên kia bờ. - Lại có quãng trên sông Đà dài hàng cây số “nước xô đá, đá xô sóng...”. Qua thủ pháp nghệ thuật trùng điệp, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung được sự hung bạo, dữ dội của sóng, nước, gió trên sông Đà. Đáng sợ nhất là những cái hút nước “ xoáy tít đáy” giữa lòng sông Đà, nó đã từng dìm xuống và xé tan xác nhiều bè gỗ, những con thuyền vô ý bị nó lôi tụt xuống. - Sông Đà còn có những thác nước dữ đội, những thác nước ấy gầm réo với nhiều cung bậc: “nghe như là oán trách, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích... rồi nó rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng...” - Sông Đà còn có những quãng rất nhiều đá dữ ‘Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục”, lập thành trùng vi thạch trận. - Toàn cảnh hùng vĩ và hung bạo của con sông Đà đã được nhân dân Tây Bắc đúc kết thành câu thần thoại: Núi cao sông hãy còn dài Năm năm báo oán đời đời đánh ghen. - Để làm rõ hơn tính cách hung bạo của con sông Đà, Nguyễn Tuân còn miêu tả một trận thủy chiến sinh tử giữa người lái đò và dòng sông. Trong cuộc chiến ấy, sông Đà giống như một loài thủy quái hung ác, nham hiểm. b. Tính chất trữ tình - Từ góc nhìn của một du khách đi khám phá cái đẹp ngồi trên máy bay nhìn xuống sông Đà “giống như cái dây thừng ngoằn ngoèo”. - Nguyễn Tuân còn hình dung sông Đà như một thiếu nữ Tây Bắc kiều diễm, dịu dàng trong xuân sắc “Sông Đà tuôn dài tuôn dài áng tóc trữ tình...đốt nương xuân”. - Sông Đà là dòng sông thơ mộng, nước thay đổi theo mùa. - Sông Đà có những quãng chảy thật hiền hòa, thơ mộng. Cảnh vật ở hai bên bờ sông Đà vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích, vừa trù phú tràn trề sức sống. + Nhà văn đã tưởng tưởng tượng “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Đó là những hình ảnh đậm chất trữ tình, gợi nhiều liên tưởng. + Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn được nhà văn gợi lên qua những hình ảnh rất nên thơ “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ... Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa...một đàn hươu cúi đầu ngốn cỏ gianh đẫm sương đêm”. 6 - Vẻ đẹp trữ tình của bức tranh sông Đà còn được Nguyễn Tuân miêu tả thật sinh động, gợi cảm qua ngòi bút tài hoa “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi...”. Sông Đà thơ mộng gợi cho Nguyễn Tuân nhớ đến những câu thơ Đường cổ kính “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh/ Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của một người tình nhân chưa quen biết. - Nguyễn Tuân đã nhìn con sông Đà như một cố nhân-> tình cảm giữa nhà văn với dòng sông thật thân thiết, khi xa thì nhớ gặp rồi thì lại thấy thân thương: “Trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm thắm ấm ấm như gặp lại cố nhân”. c. Khái quát: - Qua hình tượng con sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên, đất nước. Với ông, thiên nhiên là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả con sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm của mình. Hình tượng sông Đà chính là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới. 3. Nghệ thuật: - Nguyễn Tuân đã vận dụng vốn tri thức phong phú về nhiều mặt để miêu tả con sông Đà đem đến cho người đọc những trang viết hấp dẫn, lý thú. - Miêu tả con sông Đà, Nguyễn Tuân sử dụng những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và thú vị. - Khi miêu tả sông Đà, Nguyễn Tuân sử dụng vốn từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cao. Câu văn đa dạng, giàu nhịp điệu, co duỗi nhịp nhàng, có lúc hối hả, gân guốc, có lúc chậm rãi trữ tình. Giáo viên đọc bài văn mẫu trong sách Chuyên đề Ngữ văn NXB Hà Nội, 2009, Trang 201 để HS tham khảo cách viết. Đề 2: Vẻ đẹp của hình tượng người lái đò sông Đà 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm - Nguyễn Tuân là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi hiện đại. Nói đến ông là người ta nghĩ ngay đến một nhà văn tài hoa, uyên bác và có một cách diễn đạt rất độc đáo. - Người lái đò sông Đà là một tùy bút thành công của Nguyễn Tuân, được rút từ tập tùy bút Sông Đà. Hình tượng nổi lên trong tùy bút là hình tượng người lái đò. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, người lái đò trở thành một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh và hội tụ rất nhiều những vẻ đẹp khác nhau. 2. Vẻ đẹp của hình tượng người lái đò: a. Ngoại hình và hoàn cảnh sống: - Ông lái đò được nhà văn miêu tả có những nét ngoại hình và tố chất khá đặc thù cho những người lao động trên sông nước: tay ông lều nghều, chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh. 7 - Cuộc sống của người lái đò là những cuộc chiến đấu hàng ngày với thiên nhiên- một thứ thiên nhiên Tây Bắc đầy dữ dội để giành lấy sự sống từ tay nó về tay mình. b. Vẻ đẹp tài trí - Ông lái đò hiểu tường tận tính nết của con sông Đà, nhớ tỉ mỉ, chính xác như đóng đanh vào lòng những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. - Ông nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, ông thuộc quy luật phục kích của nó. - Trong cuộc chiến đấu với sông Đà để giành lấy sự sống, ông bình tĩnh đối đầu với những thác ghềnh nguy hiểm. Ông khôn khéo vượt qua mọi cạm bẫy của thạch trận sông Đà, băng qua các cửa tử nơi thác hiểm trở, chỉ huy con thuyền xuôi ngược trên sông tới đích bình yên. c. Ông đò là người lao động dũng cảm, kiên cường, một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác nghềnh: - Để làm nổi bật phẩm chất dũng cảm, kiên cường và vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò, Nguyễn Tuân đã miêu tả rất sinh động trận thủy chiến ác liệt trên sông Đà. Trong trận thủy chiến đó, ông đò tả đột hữu xung, chiến đấu quả cảm với trùng vi thạch trận sông Đà để thuần phục dòng sông dữ. + Bước đầu vào trận chiến đấu: thác nước rống lên như hàng ngàn con trâu mộng; đá dữ dàn bày thạch trận trên sông; nước đá phối hợp với nhau quyết đánh tan con thuyền của người lái đò(D/c: mặt nước hò la vang dậy ùa vào mà bẻ gãy cán chèo, sóng nước như quân liều mạng...) Trùng vi thạch trận sông Đà vô cùng lắt léo: vòng đầu: bốn cửa tử, một cửa sinh; vòng thứ hai chúng tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền; vòng cuối cùng bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống nằm ở giữa bọn đá hậu vệ của con thác => thiên nhiên dữ dội, hung bạo, hiểm ác. - Ông đò là vị chỉ huy con thuyền sáu bơi chèo quyết tâm chiến thắng sông Đà dữ dội, hung ác. Mặc dù đây là một cuộc chiến không cân sức. + Ông nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, chống trả quyết liệt những đòn âm, đòn tỉa của sóng thác sông Đà. + Ông cố nén vết thương “ hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái” kiên cường chịu đựng nỗi đau về thể xác. “Trên con thuyền sáu bơi chèo vẫn nghe thấy tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái”. - Ông đò đã chiến đấu với thác dữ, sóng nước sông Đà bằng trí dũng tuyệt vời, bằng những động tác táo bạo, mạnh mẽ và vô cùng chuẩn xác: + Khi thì ông cưỡi lên thác sông Đà “cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ” + Có khi ông nắm chặt lấy cái bờm sóng ghì cương lái mà phóng nhanh con thuyền đến với cửa sinh. + Đối đầu với bọn thủy quân hung dữ, độc ác: đứa thì ông tránh mà rẻo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mở đường tiến. 8 + Ở trùng vi thạch trận cuối cùng ông chỉ huy con thuyền như một mũi tên tre xuyên qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được, bỏ lại những luồng tử, những thác dữ. -> Ông là một người nghệ sĩ tài hoa vượt qua trận thủy chiến ác liệt, thuần phục dòng sông. Qua đây thể hiện sự ngoan cường, dũng cảm, kinh nghiệm sông nước của ông đò. Đây chính là nguyên nhân để ông đò có thể chiến thắng được sự hung bạo, dữ đội của sông Đà. d. Phong thái ung dung của ông đò - Sau khi vượt qua những gian nan, nguy hiểm ông đò nhìn những thử thách đã qua bằng một cái nhìn giản dị mà lãng mạn. Cái tài của ông đò không có chút kiêu bạc mà rất gần gũi với đời thường(D/c: Khi đã đưa con thuyền vào dòng nước êm ả thì sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh. Chả ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước có đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi) e. Khái quát - Hình ảnh người lái đò cho thấy Nguyễn tuân đã tìm được nhân vật mới những con người đáng trân trọng, ngợi ca không thuộc tầng lớp đài các “ vang bóng một thời” mà là những người lao động bình thường- “chất vàng mười” của Tây Bắc. - Qua hình tượng ông lái đò, Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm: + Người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu với quân thù mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày. + Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của con người không chỉ thể hiện trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà còn thể hiện ở lĩnh vực của cuộc sống, trong mọi hoạt động của con người dù là lao động trí óc hay chân tay. 3. Nghệ thuật: - Khi xây dựng hình tượng ngư ời lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân chú ý tô đậm chất tài hoa nghệ sĩ ở nhân vật. Đây là cách viết phù hợp với quan niệm về con người của nhà văn, phù hợp với cái nhìn rộng mở của ông về phẩm chất tài hoa nghệ sĩ. Theo Nguyễn Tuân, khi con người đạt tới trình độ điêu luyện trong công việc của mình là khi họ bộc lộ chất tài hoa nghệ sĩ đáng được đề cao. - Nguyễn Tuân đã tạo được tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình. Nhà văn đã miêu tả cuộc vượt thác của người lái đò như một cuộc thủy chiến ác liệt, không hề cân sức. Càng nhấn mạnh vẻ hung dữ, hiểm độc của thạch trận sông Đà, tác giả càng khắc họa sinh động sự từng trải, vẻ mưu trí, tinh thần kiên cường dũng cảm, phong thái ung dung và tài nghệ của người lái đò. - Tác giả còn sử dụng vốn từ ngữ phong phú, sống động giàu chất tạo hình, đầy cá tính, phù hợp với đối tượng được miêu tả. Nhà văn có những từ dùng rất mới mẻ, lối nhân hóa độc đáo, những ví von so sánh, liên tưởng chính xác, thú vị “ông đò nắm chặt lấy bờm sóng” “cưỡi đến cùng như là cưỡi trên lưng hổ”... Đề 3: Cảm nhận về đoạn văn sau trong bài Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân: 9 “Thuyền tôi trôi trên sông Đà(...) nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên” (Trang 191, 192 SGK cơ bản Ngữ Văn 12) A. Mở bài - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn văn B. Thân bài 1. Về nội dung Đoạn văn tập trung miêu tả vẻ đẹp đầy thơ mộng, trữ tình của con sông Đà - Khác với nơi thượng nguồn, sóng, nước, thác, đá dữ dội, sông Đà quãng này lững lờ trôi, êm lặng, hiền hòa, sông nước thanh bình, cảnh vật hai bên bờ sông vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích, vừa trù phú tràn đầy nhựa sống. - Nguyễn Tuân đã miêu tả sông Đà một cách khách quan kèm theo nhiều giả định “ Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. - Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng đầy sức sống của cảnh hai bên bờ sông Đà được nhà văn gợi lên qua những hình ảnh gợi cảm, những so sánh độc đáo, bất ngờ thú vị “Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa... nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. + Giọng văn êm đềm thư thái, có những câu tác giả sử dụng toàn thanh bằng”Thuyền tôi trôi trên sông Đà”, tác giả sử dụng gam màu nhạt gợi lên một không gian lặng tờ, yên ắng, ít tiếng động. Chỉ có tiếng “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”, “tiếng cá đạp nước đuổi đàn hươu vụt biến”... Tất cả tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng, thi vị, trữ tình. - Chính vẻ đẹp đầy chất thơ của con sông Đà khiến Nguyễn Tuân liên tưởng tới tứ tơ đằm thắm của Tản Đà ngày trước “Dải sông Đà bọt nước lênh bênh... quen biết”. 2. Cái tôi của Nguyễn Tuân Đoạn văn thể hiện cái tôi tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân. - Nguyễn Tuân đắm say với cảnh sắc thiên nhiên để tận hưởng vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên: đó là cảnh “lặng tờ hoang sơ như một bờ tiền sử” như một câu chuyện cổ tích hay cảnh sắc căng tràn sức sống của nương ngô, của đồi cỏ gianh. - Nguyễn Tuân có một tâm hồn rất tinh tế, rộng mở để đón nhận cái đẹp, nhà văn hòa nhập với thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên, cảm nhận được thiên nhiên như cũng có tâm hồn đồng điệu với mình. + Nhà văn hiểu và cảm nhận được hành động vểnh tai của con hươu và tưởng tượng ra tiếng nói tiếng nói riêng của con vật này. + Nhà văn cũng cảm thấy được dòng sông Đà quãng này “như nhớ thương những hòn thác đá xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc,... như đang lắng nghe giọng nói êm êm của người miền xuôi”. - Tâm hồn Nguyễn Tuân bay bổng, lãng mạn: từ con sông Đà hiện tại, tác giả liên tưởng, nhớ về con sông Đà của Tản Đà ngày trước. Tuy vậy, nhà văn vẫn luôn suy tư về một tương lai của Tây Bắc “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một 10 tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ- Yên Bái- Lai châu”. Đây chính là tiếng nói đầy tinh thần trách nhiệm của một người nghệ sĩ giàu lòng yêu nước đối với mảnh đất và con người miền Tây bắc xa xôi. 3. Đặc sắc nghệ thuật của đoạn văn - Đoạn văn thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: độc đáo, tài hoa, uyên bác. Nhà văn đã vận dụng hiểu biết của nhiều ngành khác nhau: địa lý, lịch sử, hội họa, văn chương và những tri thức về tự nhiên để khắc họa vẻ đẹp của sông Đà. - Tác giả thể hiện một trí tưởng tượng phong phú, bất ngờ, thú vị. - Tác giả vận dụng thành công nhiều thủ pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ngôn từ phong phú giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm. Câu văn co duỗi nhịp nhàng, giàu nhịp điệu, giàu tính nhạc. => Tất cả góp phần tạo nên những trang văn miêu tả vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, đồng thời bộc lộ tình cảm yêu mến, thiết tha đối với quê hương đất nước. Đề 4: Trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân tự coi mình là người “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc núi sông Tây Bắc và nhất là thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và bền vững” Cảm nhận của anh/ chị về chất vàng quý báu của cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc được nhà văn phát hiện qua áng văn xuôi này. 1. Vài nét về tác giả, tác phẩm - Người lái đò sông Đà là tùy bút xuất sắc in trong tập Sông Đà (1960)- Kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân. - Trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi rộng lớn này, Nguyễn Tuân không chỉ thỏa mãn lòng ham mê tìm đến những chân trời mới lạ mà mục đích chủ yếu- như chính lời ông nói- là để “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc núi sông Tây Bắc và nhất là thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và bền vững” 2. Giải thích ý kiến của Nguyễn Tuân - Trong câu văn của Nguyễn Tuân, chữ “vàng” không được dùng với nghĩa đen. Nhà văn dùng chữ “vàng” với ý chỉ vẻ đẹp và sự quý giá. - “Cái thứ vàng” của màu sắc núi sông và trong tâm trí những con người không có gì khác là vẻ đẹp cùng sự quý giá của tổ quốc ta, nhân dân ta ở miền đất xa xôi Tây Bắc và hiện ra rực rỡ trong tùy bút Người lái đò sông Đà. 3. Người lái đò sông Đà - sự phát hiện chất vàng quý báu của một dòng sông. - Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân miêu tả một con sông Đà “ hung bạo”. Song qua sự hung bạo của dòng sông ta vẫn thấy ở sông Đà một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước. Đó là: + Những cảnh đá bờ sông dựng vách thành. + Những quãng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió,... 11 + Những cái hút nước xoáy tít. + Thác nước sông Đà réo gầm với nhiều cung bậc âm thanh phong phú. + Đá trên sông dàn bày thạch trận với nhiều vòng vây lắt léo. - Còn có một con sông Đà thơ mộng, trữ tình. + “Tuôn dài, tuôn dài áng tóc trữ tình” gợi tả vẻ đẹp mềm mại + Dòng nước thay đổi theo mùa. + Dưới hạ lưu con sông chảy êm đềm. + Hai bên bờ cảnh vật yên tĩnh, nên thơ: một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non, cỏ gianh đồi núi đang ra những búp nõn, một đàn hươu cúi đầu ngốn cỏ gianh... Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa... + Con sông Đà gợi cảm, trữ tình mang màu sắc Đường thi, gợi nhớ những câu thơ tình tứ của Tản Đà... 4. Người lái đò sông Đà - sự phát hiện chất vàng quý báu của con ngừi lao động. - Chắc chắn Nguyễn Tuân rất có dụng ý khi nói về màu sắc của núi sông, ông chỉ dùng một chữ “vàng”. Để rồi sau đó người lao động ông gọi là “vàng mười” để khẳng định vẻ đẹp và giá trị quý báu của con người lao động. Con người vẫn đẹp hơn tất cả, quý hơn tất cả. - Ở Người lái đò sông Đà, con người mang chất vàng mười ấy lại chỉ là ông lái đò vô danh. Nhờ lao động, nhờ chinh phục thiên nhiên mà ông lái đò vô danh trở nên lớn lao kỳ vĩ. Nguyễn Tuân đã miêu tả thật hấp dẫn và hùng tráng cuộc thủy chiến ác liệt mà cuối cùng ông đò đã phá tan ba ải nước của trùng vi thạch trận. - Ông đò là người lao động mang vẻ đẹp trí dũng, tài hoa. Ông nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở. Trước sức mạnh của thiên nhiên, ông đò vẫn cưỡi thác ghềnh, đè sấn lên sóng gió, nắm chặt cái bờm sóng mà thuần phục dòng sông hung bạo. Ông như một nghệ sĩ chèo lái con thuyền tìm đúng luồng sinh. - Ông lái đò là hình tượng đẹp của người lao động mới, hội tụ phẩm chất của người nghệ sĩ trong nghề chở đò, người anh hùng trong lao động. Đề 5: Anh /chị hãy phân tích cách thể hiện vẻ đẹp con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và vẻ đẹp của dòng sông Hương trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. 1. Giới thiệu về Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ lớn với phong cách nghệ thuật độc đáo, nổi bật là sự tài hoa uyên bác. Người lái đò sông Đà là một tác phẩm kết tinh nhiều mặt của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Tác phẩm viết về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc. - Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người nghệ sĩ tài hoa, gắn bó tha thiết với xứ Huế. Ai đã đặt tên cho dòng sông là bút ký giàu chất trữ tình viết về vẻ đẹp của sông 12 Hương gắn liền với lịch sử, văn hoá Huế, rất tiêu biểu cho phong cách của ông: hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa. - Hai nhà văn đều rất thành công khi miêu tả hai dòng sông nổi tiếng của đất nước. Đọc hai tác phẩm này, ta nhận thấy cách thể hiện vẻ đẹp sông Đà của Nguyễn Tuân và cách thể hiện sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường có những nét tương đồng và khác biệt. 2. Sự giống nhau - Sông Đà và sông Hương đều là những dòng sông đẹp góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của đất nước nên cả Nguyễn Tuân và Hoàng phủ Ngọc Tường đều nhìn và cảm nhận nó bằng cái nhìn của người nghệ sĩ yêu mến, đắm say cái đẹp. Với góc nhìn ấy, Sông Đà và sông Hương hiện lên như những sinh thể có hồn với những nét tính cách thống nhất và đối lập + Hung bạo, dữ dội, man dại(D/c) + Trữ tình, thơ mộng(D/c)  Những tính cách ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc - Hai nhà văn còn nhìn hai dòng sông dưới góc nhìn địa lý, lịch sử gắn với bề dày truyền thống văn hoá của dân tộc. Hai nhà văn so sánh hai dòng sông này với nhưng dòng sông khác ở trong nước và trên thế giới để làm nổi bật nét riiêng của chúng, đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về vẻ đẹp của mỗi dòng sông. Cả hai nhà văn đều huy động vốn tri thức phong phú về nhiều lĩnh vực để miêu tả hai dòng sông (D/c). - Hai nhà văn đều sử dụng nghệ thuật nhân hoá, so sánh, liệt kê kết hợp miêu tả, bình luận, coi việc tái hiện vẻ đẹp của mỗi dòng sông làm cái cớ để thể hiện cái tôi nghệ sĩ độc đáo, tài hoa, đồng thời gián tiếp thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của hai tác giả (D/c). 3. Sự khác nhau a. Sông Đà Sông Đà hiện lên với hai nét tính cách hung bạo và trữ tình - Nguyễn Tuân tập trung bút lực đặc tả vẻ đẹp hung bạo dữ dội của thượng nguồn sông Đà thông qua một hệ thống các chi tiết tiêu biểu, đặc sắc kết hợp với vốn từ ngữ phong phú, góc cạnh, giàu chất điện ảnh-> người đọc có cảm giác vẻ hung bạo của dòng sông như cuộn trào lên sau mỗi con chữ (D/c). - Vẻ trữ tình thơ mộng của Đà giang ở hạ nguồn chủ yếu hiện lên qua lối tả bao quát của thiên nhiên cùng với lối quay viễn cảnh trong điện ảnh với những liên tưởng, so sánh giản dị, tự nhiên giàu sức gợi hình, gợi cảm. Tác giả vừa nói được nét riêng của sông Đà vừa chớp được cái thần của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc (D/c). b. Sông Hương - Nếu ở Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân tập trung đặc tả vẻ hung bạo của sông Đà thì ở Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẻ man dại, dữ dội của thượng nguồn sông Hương chỉ thấp thoáng hiện lên qua một vài chi tiết ở phần đầu của thiên bút ký (Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm…cuộn 13 xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn. Giữa lòng Trường Sơn…trong sáng). Hơn nữa, ngay cả khi miêu tả vẻ man dại của dòng sông nhà văn cũng thấy nó dịu dàng và say đắm giữa một không gian chói lọi của hoa đỗ quyên rừng với chất thơ, chất hoạ khác với vẻ hung bạo như kẻ thù số một của con người ở con sông Đà miền núi rừng Tây Bắc - Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả những vẻ đẹp khác của dòng sông Hương từ nhiều góc độ: + Sông Hương nơi thượng nguồn + Sông Hương khi chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố. + Sông Hương khi chảy giữa thành phố. + Sông Hương trước khi từ biệt Huế + Sông Hương gắn với vẻ đẹp tự nhiên, gắn với lịch sử, văn hoá, thi ca và với cả đời thường - Nếu Nguyễn Tuân thiên về phương pháp gợi khi tái hiện vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thiên về phương pháp tả xen lẫn những bình luận ngoài lề khi tái hiện vẻ thơ mộng, trữ tình của sông Hương. 4. Đánh giá chung - Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường mỗi người đi vào miêu tả một dòng sông khác nhau nhưng cách miêu tả ở hai nhà văn này có điểm gặp gỡ song cũng có phần khác biệt. Điều đó đã tạo nên hai cây bút viết bút ký và tuỳ bút tài hoa, độc đáo. Đề 6: Cái tôi của Nguyễn Tuân qua Người lái đò sông Đà 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm - Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. - Tác phẩm Người lái đò sông Đà rút từ tập tùy bút Sông Đà (1960) hấp dẫn người đọc ở cái tôi độc đáo, tài hoa, uyên bác. 2. Vẻ đẹp của cái tôi qua tác phẩm a. Cái “tôi”: là cái bản ngã, cái cá tính, là con người tâm hồn, hay nói rộng ra là chân dung người sáng tạo. b. Đặc điểm cái tôi Nguyễn Tuân - Cái tôi tài hoa: + Nhìn sự vật, hiện tượng ở phương diện văn hóa, thẩm mỹ (hình tượng Sông Đà). + Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ (Hình tượng ông lái đò). + Tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ: vốn từ ngữ phong phú, biến hóa, với hàng loạt những động từ mạnh, những tính từ miêu tả sắc nét, những so sánh liên tưởng táo bạo, kì thú. Câu văn có cấu trúc trùng điệp, độ co giãn nhịp nhàng. - Cái tôi uyên bác: + Ông vận dụng kiến thức nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tổng hợp cảm nhận của các giác quan khác nhau để khám phá và miêu tả. 14 + Hiểu biết sự vật, hiện tượng ở mọi khía cạnh, góc độ từ chiều rộng đến chiều sâu. - Cái tôi tự do phóng túng: Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như để thả sức tung hoành trong cảm xúc, chứng tỏ sự tài hoa uyên bác, lịch lãm và cá tính sáng tạo của mình. - Cái tôi của những tính cách phi thường, cảm giác mãnh liệt: + Nhân vật của ông (người lái đò) quả là con người của cảm giác mạnh, con người của hiểm nguy. Ông than phiền là thấy dại chân và buồn ngủ ở những khúc sông bằng phẳng vô sự. Những quãng ấy dòng sông hết cả đậm đà với nhà đò. + Những trang văn hay nhất của Nguyễn Tuân là những trang tả gió, tả bão, tả núi cao, vực sâu, tả thác ghềnh hiểm trở (Bút lực phi thường của nhà văn được thể hiện rõ nhất trong đoạn văn miêu tả trận thủy chiến trên sông Đà. Thiên nhiên ở đây hùng vĩ, hung bạo đến mức khủng khiếp nhưng vẫn đẹp đến tuyệt mỹ). 3. Đánh giá: - Cái tôi Nguyễn Tuân là cái tôi có ý thức tự khẳng định cá tính độc đáo của mình. - Cái tôi ấy là kết quả của một lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, một cuộc đời lao động nghệ thuật khổ hạnh, một trí thức tâm huyết với nghề. - Đọc tùy bút Người lái đò sông Đà, người đọc yêu hơn, trân trọng hơn phẩm chất, cốt cách của con người đáng quý này. Đề 7: “Sông Đà nói chung và Người lái đò sông Đà nói riêng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân: Uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề, nhằm tìm ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động lòng người đọc nhất.” (SGK Ngữ văn 12, NXB GD 2008, trang 185) Em hãy phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà để làm sáng tỏ nhận định trên. 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Nguyễn Tuân (1910-1987): một con người rất mực tài hoa, uyên bác. Ông cầm bút từ khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỷ XX, nhưng nổi tiếng từ 1938 với các tác phẩm có phong cách nghệ thuật độc đáo: Một chuyến đi, Vang bóng một thời...nhà văn để lại cho đời một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo, tài hoa. - Tác phẩm được sáng tác năm 1958, nhân chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân lên Tây Bắc. Sau này tác phẩm được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960). Sáng tác tác phẩm này, Nguyễn Tuân từng tâm sự: ông đi tìm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc, đặc biệt là chất vàng mười trong tâm hồn con người nơi đây. 2. Giải thích nhận định - Nhận định trên đề cập đến vấn đề phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong tùy bút Sông Đà nói chung và Người lái đò sông Đà nói riêng. 15 - Phong cách nghệ thuật: là một phạm trù thẩm mỹ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo của một nhà văn. Chỉ những nhà văn có tài năng , có bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo. - “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo” (Nguyễn Minh Châu). - Những biểu hiện trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân + Uyên bác tài hoa: Nguyễn Tuân vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghề để soi chiếu đối tượng dưới nhiều góc độ khác nhau. Ông tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ; tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mỹ. + “...Không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động lòng người đọc nhất”: Nguyễn Tuân có khả năng liên tưởng độc đáo, táo bạo. Những hình ảnh so sánh trong văn ông vừa chính xác, vừa mới lạ. Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mỹ... Về ngôn ngữ: với kho từ vựng phong phú, khả năng tổ chức câu văn xuôi có giá trị tạo hình, có nhạc điệu; Nguyễn Tuân được coi là bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ. 3. Phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà để làm sáng tỏ nhận định a. Vẻ uyên bác, tài hoa trong ngòi bút của Nguyễn Tuân * Uyên bác: Vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghề khác nhau để soi chiếu đối tượng (VD: Hình tượng con sông Đà được soi chiếu qua các góc độ: lịch sử, địa lý, hội họa “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc... mù khói núi mèo đốt nương xuân”, điện ảnh, quân sự, võ thuật, thể thao,...) * Tài hoa: - Tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ; Trước cách mạng Nguyễn Tuân chỉ nhìn thấy vẻ tài hoa nghệ sĩ ở những con người đặc tuyển (nhà nho tài hoa bất đắc chí). Sau cách mạng, Nguyễn Tuân nhìn thấy vẻ tài hoa nghệ sĩ ở những con người lao động bình thường. Đó là ông lái đò, chị dân quân, anh chiến sĩ biên phòng... + Phân tích hình tượng ông lái đò- một nghệ sĩ trong nghệ thuật chèo đò, vượt thác, một “tay lái ra hoa”. - Tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mỹ. VD: Miêu tả vẻ đẹp của sông Đà với dòng chảy miên man, bất tận, Nguyễn Tuân liên tưởng đến mái tóc tuôn dài, tuôn dài của người con gái ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc. Vẻ đẹp của Đà giang còn gắn liền với thi ca. Đó là ánh nắng đọng sắc hoe vàng từ thuở Đường thi trong thơ Lý Bạch: 16 Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu hay gắn liền với câu thơ của nhà thơ núi Tản, sông Đà: Dải sông Đà bọt nước lênh đênh Bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình b. Khai thác kho cảm giác, liên tưởng phong phú, tìm ra những chữ nghĩa xác đáng nhất có khả năng lay động lòng người. - Hình ảnh so sánh chính xác, táo bạo; kết quả của trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú (D/c: Hình ảnh so sánh âm thanh tiếng nước thác sông Đà, Hình ảnh so sánh nhân hóa về đá trong lòng sông, hình ảnh so sánh về bờ sông). - Ngôn từ có “sức nóng”, giàu hình ảnh và nhịp điệu (D/c: Hệ thống động từ dày đặc khi miêu tả trận thủy chiến của người lái đò; sự mới lạ trong cách sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân để miêu tả tính chất của sự vật, sự việc; câu văn trường cú có nhịp điệu, co duỗi linh hoạt) 4. Đánh giá: - Nguyễn Tuân là nhà văn có ý thức trách nhiệm với nghề. Ngay từ trước cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn, ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp. Đối với ông nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí khổ hạnh. Ông đã lấy cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho điều ấy. - Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám có những biến đổi nhưng vẫn thống nhất trên nền tảng: uyên bác, tài hoa. - Có thể nói Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ “không giống ai, không cho ai bắt chiếc mình, chết là mang cái bản chính đi không để lại một bản sao nguyên cảo nào”. Đề 8: “Phong cảnh sông Đà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ uy nghiêm, vừa tuyệt vời thơ mộng”(Sách ngữ văn 12, tập 1, NXBGD 2000, trang 168 ) Anh/ chị hãy phân tích hình tượng dòng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà để làm sáng tỏ nhận định trên. 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Cảm hứng chính của tác giả khi đến với vùng đất Tây Bắc xa xôi hùng vĩ là đi tìm vàng quanh sông Đà, đặc biệt là chất vàng mười trong tâm hồn con người nơi đây. - Người lái đò sông Đà in trong tập tùy bút Sông Đà (1960) 2. Giải thích nhận định - Nhận định đề cập đến hai vẻ đẹp tưởng như đối lập nhau của phong cảnh Tây Bắc dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân: + Hùng vĩ uy nghiêm (hung bạo) + Tuyệt vời thơ mộng (trữ tình) -> Hai nét đẹp đó không loại trừ nhau mà ngược lại thống nhất trong một chỉnh thể tài hoa, tạo nên sức quyến rũ, vẻ đẹp phong phú của phong cảnh nơi đây. 17 Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Nhà văn của những tình cảm, cảm giác mạnh, những phong cảnh tuyệt mỹ. Nguyễn Tuân không thích cái gì nhợt nhạt bằng phẳng nên hung bạo hay trữ tình đều được đẩy lên mức độ tột cùng. Dòng sông Đà là một con sông như thế. 3. Phân tích hình tượng sông Đà - Nguyễn Tuân đã khai sinh dòng sông nghệ thuật của mình với hai nét tính cách; hung bạo và trữ tình. Những nét tính cách này được hé mở qua lời đề từ: hung bạo, dữ dội, một mình “chơi một lối độc tấu: câu thơ của Nguyễn Quang Bích”; trữ tình thơ mộng: câu thơ của nhà thơ Ba Lan. * Vẻ đẹp hùng vĩ (hung bạo) - Cảnh đá bờ sông dựng vách thành-> mặt sông hẹp, tối, lạnh. - Những cái hút nước: nguy hiểm, chết người. - Âm thanh của tiếng thác nước: nhiều cung bậc, được phóng to như khúc nhạc man dại, cuồng nộ của thời tiền sử với những trận động đất hay nạn núi lửa. - Đá trong lòng sông: hòn nào cũng ngỗ ngược, mặt hòn nào cũng nhăn nhúm, méo mó. - Trận thủy chiến: Sông Đà có lực lượng hùng hậu, bày binh bố trận: mưu mô, xảo quyệt; chơi những đòn đánh nguy hiểm đối với người lái đò...-> kẻ thù số một của con người, gợi nhắc đến câu đồng giao quen thuộc: Núi cao sông hãy còn dài Năm năm báo oán đời đời đánh ghen * Vẻ đẹp trữ tình tuyệt vời thơ mộng: - Nhìn từ trên xuống: sông Đà như mái tóc trữ tình tuôn dài, tuôn dài của người thiếu nữ Tây Bắc-> tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mỹ. - Màu nước sông Đà biến ảo liên tục + Mùa xuân: dòng xanh ngọc bích + Mùa thu: lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượi bữa - Qua kỉ niệm: + Sông Đà là một cố nhân + Đi rừng lâu ngày ra gặp con sông (Ban đầu chỉ thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt. Sau đó lại gần chao ôi “trông con sông như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”) - Cảnh hai bên bờ sông + Không gian yên tĩnh đến tuyệt đối, thơ mộng. + Âm thanh; mơ hồ giữa thực và mộng. + Hình ảnh gợi tả vẻ đẹp nguyên sơ, trong trẻo trong thế giới của cổ tích. * Đánh giá: Bằng tấm lòng và tài năng, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng dòng sông Đà đem lại cho người đọc khoái cảm chiêm ngưỡng một sinh thể sống, một bức họa về Đà giang. - Tài năng nghệ thuật bậc thầy: 18 + So sánh, liên tưởng bất ngờ, độc đáo + Quan sát soi chiếu sự vật ở nhiều góc độ + Vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghề khác nhau để miêu tả sự vật. + Ngôn từ phong phú, có sức nóng. Đề 9: Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: - Nguyễn Tuân(1910- 1987) là người có ý thức cao về cái tôi cá nhân tài hoa, uyên bác. Ông tìm đến với thể tùy bút như một điều tất yếu. Tùy bút Người lái đò sông Đà là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc, tác phẩm được in trong tùy bút Sông Đà. - Hoàng Phủ Ngọc Tường(1937), là nhà văn có sở trường về thể bút ký, tùy bút, với một phong cách nghệ thuật độc đáo. Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết vào tháng 1-1981 tại Huế. Bài ký đã thể hiện một lối hành văn phóng túng, tài hoa của nhà văn. 2. Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và sông Hương * Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà - Được gợi ra từ lời đề từ: “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” - Nhìn từ trên cao xuống: Sông Đà mềm mại thướt tha với vẻ đẹp xuân sắc: “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. - Sự biến ảo của sắc nước sông Đà qua các mùa: mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da người bầm đi vì rượi bữa. - Qua kỷ niệm, sông Đà như một cố nhân. Xa lâu thì nhớ, gặp lại thì cuống quýt mừng vui: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà...” - Cảnh hai bên bờ sông: vẻ đẹp lặng tờ hoang dại, trong trẻo nguyên sơ: “thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ ...” -> Nhận xét: Miêu tả sông Đà trữ tình, ngòi bút của Nguyễn Tuân biến hóa liên tục với những hình ảnh nhân hóa, so sánh, những liên tưởng độc đáo thú vị. Câu văn của Nguyễn Tuân co duỗi nhịp nhàng, chuyển đến người đọc những cảm giác của cảm xúc. Không phân biệt đâu là ngoại giới, đâu là tâm giới, tiếng lòng của thiên nhiên hòa với tấm lòng yêu thương của người nghệ sĩ. Cùng với sông Đà trữ tình ta bắt gặp một Nguyễn Tuân tình nhân, thi nhân. * Vẻ đẹp trữ tình của sông Hương: - Là dòng sông chảy giữa lòng thành phố Huế, tạo nên vẻ đẹp riêng cho xứ Huế. 19 - Trong rừng thượng nguồn:Sông Hương sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái digan man dại và phóng khoáng, tự do mà phóng túng. Nhưng rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng của sông Hương tạo cho nó một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ. -> Tác giả đã nhấn mạnh đến hai đặc điểm quan trọng của sông Hương: một con sông tạo nên bản sắc văn hóa của Châu Hóa; một thiếu nữ đẹp sống hết mình say đắm trong tình yêu. - Trên đường đến Huế: Sông Hương chuyển dòng liên tục đột ngột như một cuộc tìm kiếm có ý thức. Tác giả lần theo dòng chảy của sông Hương như một nhà địa lý, như một chàng trai khám phá tính cách của người đẹp (sắc nước xanh thẳm, dòng sông mềm như tấm lụa, màu sắc nhạy cảm với ánh sáng, vẻ kiêu hãnh âm u...) -> Sông Hương như một người con gái đẹp làm duyên: vốn đã có vẻ đẹp dịu dàng, trí tuệ nay lại càng quyến rũ hơn với vẻ đẹp lịch lãm, kiêu sa và trầm mặc. - Trong lòng Huế: sông Hương chảy thực chậm. Đó là điệu slow tình cảm mà sông Hương dành riêng cho Huế. -> Sông Hương đẹp một cách hạnh phúc. Nó đã bị Huế chinh phục, ngả trọn vào vòng tay của Huế. Tình yêu với Huế tạo nên bản sắc văn hóa của dòng sông. - Khi rời xa Huế: như sực nhớ điều gì chưa kịp nói, dòng sông đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng đông tây gặp lại Huế ở thị trấn Bao Vinh. ->Dòng sông mang vẻ đẹp của người con gái lưu luyến với tình nhân. Hành động đột ngột quay trở lại gặp Huế là một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. => Nhận xét: Sông Hương được miêu tả sát với bản đồ địa hình. Nó tạo nên không gian văn hóa đôi bờ với vẻ đẹp quyến rũ. Từ thực tế ấy nhà văn ví sông Hương như một thiếu nữ đẹp cùng với Huế làm nên một tình yêu nồng thắm, say mê. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, mượt mà, nhiều liên tưởng độc đáo tạo nên một dòng sông quyến rũ, đắm say lòng người. * Đánh giá - Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông là những trang hoa , tờ hoa thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường. - Điểm gặp gỡ trong phong cách viết của hai tác giả; + Một cái tôi uyên bác với những hiểu biết sâu sắc về sông Đà, sông Hương xứ Huế. + Vốn hiểu biết về lịch sử, địa lý, thi ca, âm nhạc... soi chiếu đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau tạo nên những liên tưởng độc đáo. + Một cái tôi tài hoa tinh tế với trí tưởng tượng phong phú kỳ diệu. + Ngôn từ phong phú, gợi cảm đem đến cho người đọc cảm giác câu văn như những câu thơ trữ tình. Đề 10: Có ý kiến cho rằng: trong sáng tác văn chương Nguyễn Tuân thường “tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa nghệ sĩ” (Nguyễn Tuân, trích theo văn học 12, tập 1, NXB GD, 2000, trang 167) 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan