Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Khoa học xã hội Trường ca thu bồn với đề tài chiến tranh...

Tài liệu Trường ca thu bồn với đề tài chiến tranh

.PDF
106
124
121

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------------ TRẦN THỊ KIM DUNG TRƢỜNG CA THU BỒN VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Hà Nội – 2016 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------------ TRẦN THỊ KIM DUNG TRƢỜNG CA THU BỒN VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: GS. TS. LÊ VĂN LÂN Hà Nội – 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn Trường ca Thu Bồn về đề tài chiến tranh là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận văn này là trung thực. Nếu có gì sai phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm! Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2016 Ngƣời cam đoan Trần Thị Kim Dung LỜI CẢM ƠN Luận văn được hoàn thành tại Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Em xin chân thành cảm ơn GS. TS. Lê Văn Lân đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ và động viên em trong suốt quá trình nghiên cứu để thực hiện luận văn này! Em xin bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy, cô giáo trong Khoa Văn học và các anh chị trong phòng Đào tạo sau đại học - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã giảng dạy, trang bị cho em những nền tảng kiến thức bổ ích, giúp đỡ em hoàn thành khóa học và tạo điều kiện để em nghiên cứu, thực hiện đề tài và được tiến hành bảo vệ luận văn. Cuối cùng em xin cảm ơn gia đình, đơn vị công tác, người thân và bạn bè đã giúp đỡ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, giúp đỡ về mọi mặt trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu để em hoàn thành được bản luận văn! Với trình độ và kiến văn còn hạn chế của người viết, luận văn chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết. Tác giả luận văn mong muốn sẽ nhận được những nhận xét, góp ý của các thầy cô, các nhà nghiên cứu và những người có quan tâm đến vấn đề được thực hiện trong luận văn. Em xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày 18/01/2016 Tác giả luận văn MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................1 2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................2 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................6 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .......................................................................7 5. Phƣơng pháp nghiên cứu......................................................................................7 6. Cấu trúc luận văn .................................................................................................7 NỘI DUNG ................................................................................................................8 Chƣơng 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRƢỜNG CA VÀ TRƢỜNG CA THU BỒN.............................................................................................................................8 1.1. Những vấn đề chung về trƣờng ca ................................................................8 1.1.1. Nội hàm của khái niệm trường ca ............................................................8 1.1.2. Phân biệt trường ca với thơ dài và truyện thơ .........................................9 1.2. Trƣờng ca Thu Bồn trong dòng chảy trƣờng ca Việt Nam hiện đại........12 1.2.1. Trường ca Việt Nam hiện đại .................................................................12 1.2.2. Trường ca viết về chiến tranh của Thu Bồn ..........................................18 Chƣơng 2: NHỮNG CẢM HỨNG LỚN TRONG TRƢỜNG CA VIẾT VỀ CHIẾN TRANH CỦA THU BỒN .........................................................................24 2.1. Cảm hứng về quê hƣơng đất nƣớc ..............................................................24 2.1.1. Quê hương đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa ...................24 2.1.2. Quê hương đất nước đau thương nhưng anh dũng quật cường ..........29 2.2. Cảm hứng về con ngƣời và cuộc sống trong chiến tranh ..........................43 2.2.1. Con người anh hùng và nhân ái ............................................................43 2.2.2. Cuộc sống chiến tranh khốc liệt và khát vọng bình yên ........................49 2.3. Cảm hứng triết luận .....................................................................................53 Chƣơng 3: NHỮNG PHƢƠNG THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRƢỜNG CA VIẾT VỀ CHIẾN TRANH CỦA THU BỒN .................................................59 3.1. Về kết cấu tác phẩm .....................................................................................59 3.1.1. Kết cấu theo cốt truyện ............................................................................60 3.1.2. Kết cấu theo mạch cảm xúc trữ tình ......................................................66 3.2. Đặc trƣng ngôn ngữ và giọng điệu ..............................................................69 3.2.1. Ngôn ngữ cường điệu, mang âm hưởng sử thi......................................69 3.2.2. Giọng điệu sử thi hào hùng ....................................................................75 3.3. Phƣơng pháp tạo nghĩa linh hoạt ................................................................82 3.3.1. Sử dụng hệ thống hình ảnh mang tính biểu tượng ...............................82 3.3.2. Những so sánh, ẩn dụ gợi nhiều liên tưởng độc đáo, mới lạ ................88 KẾT LUẬN ..............................................................................................................93 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................95 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong lịch sử Việt Nam, chính âm ba của những chiến thắng chống ngoại xâm hào hùng trong truyền thống quá khứ của dân tộc, cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến chống bè lũ diệt chủng ở Campuchia đã trở thành một mạch nguồn cảm xúc vô tận cho nền văn học nói chung và thể loại trường ca nói riêng. Trường ca hiện đại Việt Nam đã thật sự “bùng nổ” khi đề cập đến những cuộc kháng chiến vĩ đại này. Có thể nói, không gì khác hơn, chính trường ca là thể loại làm nên gương mặt riêng biệt của văn học hiện đại Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Trường ca phản ánh sự vận động của lịch sử, dân tộc và thời đại thông qua những biến động lớn lao. Khó có thể loại văn học nào vừa khái quát lịch sử, khái quát cuộc sống rộng lớn lại vừa đằm thắm trữ tình, đi vào lòng người như trường ca. Do đó, nghiên cứu trường ca chính là góp phần nghiên cứu đời sống tâm hồn tươi đẹp, lý tưởng anh hùng cao cả cũng như cuộc đấu tranh anh dũng bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Với vai trò là người “khôi phục lại thể loại trường ca”, Thu Bồn có nhiều trường ca xuất sắc, có tiếng vang, đạt giải thưởng cao. Những trường ca của ông, đặc biệt là trường ca viết về chiến tranh, thấm đẫm chất sử thi, giàu tính tư tưởng và tầm khái quát, triết lý về sứ mệnh lịch sử của thế hệ mình; về nguồn cội sức mạnh của dân tộc; về những giá trị tinh thần cao cả tiềm ẩn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhưng điều quan trọng làm nên sức sống bền bỉ của trường ca Thu Bồn trong lòng độc giả đó chính là ông luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng và để lại dấu ấn riêng trong mỗi tác phẩm của mình. Càng đi sâu vào nghiên cứu những trường ca về chiến tranh của Thu Bồn, ta càng thấy được vai trò to lớn của nó, không chỉ trong trường ca hiện đại Việt Nam mà còn cả trong việc thể hiển bước đi của thơ ca dân tộc. Xuất phát từ ý nghĩa đó, chúng tôi đã chọn đề tài “Trƣờng ca Thu Bồn về đề tài chiến tranh” cho luận văn của mình với mong muốn tìm hiểu và khẳng định những nét độc đáo cũng như đóng góp của Thu Bồn trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong các trường ca viết về chiến tranh của ông. 1 2. Lịch sử vấn đề Thu Bồn có một sự nghiệp thơ văn khá bề thế, dày dặn, thể hiện một bút lực dồi dào, tinh tế và có những đóng góp nhất định cho văn học chống Mỹ nói riêng, văn học hiện đại Việt Nam nói chung. Năm 2003, tác giả Ngô Thế Oanh đã tuyển chọn và giới thiệu đến bạn đọc những sáng tác nổi tiếng nhất, khẳng định tên tuổi của Thu Bồn trong lòng độc giả qua tuyển tập: Thu Bồn – thơ và trƣờng ca do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành. Qua ấn phẩm này, một lần nữa công chúng và độc giả lại có thêm điều kiện thưởng thức, cảm nhận những tác phẩm của ông một cách đầy đủ, toàn diện. Là một cây bút viết trường ca đã được thời gian và bạn đọc khẳng định, tác phẩm của Thu Bồn ở thể loại này rất đáng được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đã có nhiều ý kiến nhận xét cũng như công trình nghiên cứu về sáng tác của ông, đặc biệt là trường ca. Tuy nhiên, hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở những bài viết ngắn, nêu những cảm nhận chung về thơ văn Thu Bồn. Một số bài viết lại là những dòng cảm xúc rất xúc động ghi lại kí ức của những người cùng thời về con người và đời thơ Thu Bồn như một lời đưa tiễn. Trong nghĩa cử đối với nhà thơ Thu Bồn khi ông vừa qua đời, trong sự cần thiết đối với một đời thơ có nhiều đóng góp cho văn nghệ kháng chiến, văn học hiện đại, Hoàng Minh Nhân đã sưu tầm, biên soạn và in lại hầu hết những bài viết, bài nghiên cứu về Thu Bồn trong một cuốn sách có tên: Thu Bồn - gói nhân tình. Trong sách này, phần lớn các bài viết là tình cảm tiếc thương đau xót của bạn bè, chiến hữu, đồng nghiệp khi nghe tin ông qua đời vào ngày 17/06/2003. Xen ở trong đó là những dòng, những trang nêu lên cảm nhận của người viết về sự nghiệp cầm bút, về thơ văn và trường ca của ông. Có thể phân các bài viết đã có về Thu Bồn ra thành các nhóm sau: 2.1. Nhóm bài viết về con người và sáng tác của Thu Bồn nói chung: 2.1.1. Trong bài viết “Thu Bồn - niềm khát vọng khôn nguôi”, trích tiểu luận phê bình Tìm hoa quá bƣớc của Hoài Anh đã dựng lại hình ảnh Thu Bồn - con người và thơ - trong ký ức của tác giả, đan xen, không tách rời. Tuy vậy, bài viết cũng đã thấy được không khí Tây Nguyên, “chất sử thi và tính kịch” cùng với “cái mạch trữ 2 tình nồng nàn thắm thiết của Bài ca chim Chơrao” và “những hình tượng khắc hoạ đẹp, lạ được đan xen với những hình ảnh chân thực, giản dị đời thường” [1, tr.50]. 2.1.2. “Chim Chơrao đến từ núi lạ” của tác giả Nguyễn Chiến cũng là những cảm nhận ban đầu về thơ Thu Bồn: “Nồng nhiệt, chân thành, hào sảng, có nhiều niềm thương, ít nỗi ghét”, một hồn thơ “không bao giờ chịu tầm thường vút lên như cánh chim Chơrao đến từ núi lạ” và “đã làm nên một cõi Thu Bồn tài hoa” [22, tr.503-510]. 2.1.3. Viết về “Cảm hứng quê hương trong thơ ca Thu Bồn”, Hồ Hoàng Thanh đặc biệt nhấn mạnh: “Chủ đề xuyên suốt, nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ ca Thu Bồn chính là nỗi niềm ngợi ca quê hương đất nước Việt Nam” [67, tr.821]. Ở bài viết này, tác giả đã có công khảo sát và chứng minh cho luận điểm đã nêu trên ba lĩnh vực sáng tác của Thu Bồn: Thơ, trường ca và bình luận văn học. Tuy nhiên, trong phần nói về trường ca, dường như tác giả chỉ tóm lược nội dung là chủ đề quê hương trong bốn trường ca: Bài ca chim Chơrao, Oran 76 ngọn, Badan khát, Thông điệp mùa xuân và trích dẫn một số đoạn làm dẫn chứng. 2.1.4. Trong bài viết “Nhà thơ Thu Bồn - tráng sĩ hề… dâu bể”, Trung Trung Đỉnh đã nêu lên những suy nghĩ, nhận định về con người và đặc biệt là sáng tác của Thu Bồn. Bài viết không có ý thức tách rời mà đan xen giữa cuộc đời, con người Thu Bồn với thơ ca của ông. Tác giả nhận định: “Ở thời điểm nào, ông cũng có những trường ca hay, những bài thơ hay, những câu thơ cực hay” [27, tr.533]. Đồng thời, tác giả cũng nhìn ra được: “Đối với Thu Bồn, ông viết như một nhu cầu sống. Trường ca hay thơ trữ tình, tiểu thuyết hay truyện ngắn, tất cả đều do nhu cầu của đời sống, chính vì thế cảm xúc thơ ông lúc nào cũng tươi, cũng mới” [27, tr.536]. Rõ ràng đây là những nhận định, đánh giá đúng và hay. Song, mới chỉ là những gì rất chung về con người Thu Bồn và sự thể hiện nó - chủ thể sáng tạo - qua thơ ca của ông. 2.1.5. “Thu Bồn qua sông Thu Bồn” của Phùng Tấn Đông là những cảm nhận, đánh giá về phong cách nghệ thuật thơ Thu Bồn, đặc biệt vấn đề được khảo sát qua hai tác phẩm Bài ca chim Chơrao và Quê hƣơng mặt trời vàng. Ông viết: “Riêng mảng thơ, Thu Bồn là nhà thơ của những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ” [30, tr.547]. Nhận xét cụ thể hơn, tác giả cho rằng: “Thơ Thu Bồn chính vì thế luôn có một hệ 3 thống từ ngữ mang tính thi pháp riêng biệt - tạm gọi là tính hoành tráng, hết mình” [30, tr.555]. Song, đấy vẫn chỉ là những nhận xét khái quát về bút lực, đặc sắc nghệ thuật của sáng tác Thu Bồn trong cả thơ và trường ca, chưa có sự phân tách giữa hai thể loại này, đồng nghĩa với việc chưa phân biệt khái niệm thơ và trường ca để có cái nhìn hệ thống, chuyên sâu hơn. 2.1.6. Tác giả Ngô Thế Oanh thì lại ví “Thu Bồn như dòng sông cuộn xiết”. Những hồi ức, ấn tượng, xúc cảm của tác giả trước người thơ và đời thơ Thu Bồn “mạnh mẽ và cảm động đến gần như có một chút gì sửng sốt mà Bài ca chim Chơrao đã mang đến” và “sự mở đầu cho một giai đoạn phát triển có tính chất quyết định” cho thể loại trường ca Việt Nam hiện đại của Thu Bồn [56, tr.731]. Mặt khác, tác giả cũng thấy được “Thu Bồn là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ tình say đắm nhất” [56, tr.738]. Như vậy, trong bài viết này, bên cạnh những hồi ức đẹp đẽ về Thu Bồn, tác giả chú ý đến hai vấn đề về đời thơ Thu Bồn: Vị trí của trường ca Thu Bồn và cái mãnh liệt, đắm say của thơ tình Thu Bồn. 2.2. Nhóm bài nhận xét đánh giá về trường ca Thu Bồn nói riêng: 2.2.1. Bài viết “Thu Bồn - từ thơ đến trường ca” của nhà nghiên cứu văn học Bích Thu, in trong Nhà thơ Việt Nam hiện đại và được in lại trong Thu Bồn - gói nhân tình của Hoàng Minh Nhân có lẽ là bài viết bao quát nhất sự nghiệp sáng tác của Thu Bồn: “Thu Bồn có khả năng mở rộng sự sáng tạo sang nhiều lĩnh vực, thể loại, như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết” [73, tr.853]. Đương nhiên, trong quan niệm của Bích Thu, “thơ” ở đây bao gồm cả trường ca - bên cạnh mảng thơ trữ tình [73, tr.857]. Trong bài viết, sau khi điểm qua những chặng đường sáng tác và những tác phẩm thơ trữ tình, tác giả đã có những nhìn nhận, đánh giá xác đáng về trường ca Thu Bồn nói chung và những trường ca xuất sắc của ông nói riêng: “Thu Bồn là người có sở trường về trường ca và viết trường ca vào loại khoẻ, sự vận động của sự kiện, nhân vật thường dồn dập, khẩn trương. Vì vậy, trường ca Thu Bồn thường mang vẻ đẹp trong một chỉnh thể, có dáng vóc bề thế, khỏe mạnh” [73, tr.858]. Đặc biệt, ở bài viết này, Bích Thu đã khai thác khá cụ thể những đặc sắc nghệ thuật của trường ca Thu Bồn: nghệ thuật xây dựng nhân vật, sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và 4 trữ tình, tạo dựng khung cảnh bi tráng, những biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng, sự kết hợp những thủ pháp nghệ thuật của điện ảnh, sân khấu, kết cấu luôn biến đổi. Sau nữa, tác giả cũng đã nêu một vài hạn chế nhỏ trong trường ca Thu Bồn, ví như chất liệu hiện thực nhiều khi còn bề bộn, ngổn ngang, đôi khi còn cầu kì, chuộng lạ trong cách đặt tên cho các tiêu đề của trường ca [73, tr.873]. Rõ ràng, bài viết của nhà nghiên cứu Bích Thu khá bao quát và cụ thể trong nhận định, đánh giá, phát hiện những đặc sắc nghệ thuật của trường ca Thu Bồn. Tuy nhiên, do tính chất là một bài viết chứ chưa phải là một công trình khoa học lớn nên chưa thể đi sâu vào phân tích, lý giải những nét độc đáo trong nghệ thuật và đặc biệt là khía cạnh nội dung của trường ca Thu Bồn. 2.2.2. Bài viết “Người viết những trường ca” của Nguyễn Đức Mậu in trong Tạp chí Nhà văn, số 7, là những nhận xét bao quát về trường ca Thu Bồn, từ nghệ thuật đến nội dung. Ông đánh giá: “Ở giai đoạn đánh Mỹ cứu nước, có nhiều trường ca hay, Thu Bồn là một cây bút tiên phong, có nhiều thành quả rất đáng ghi nhận trong thể loại này” [51, tr.60]. 2.2.3. “Thu Bồn - bơi qua biển lửa ta về lại” của tác giả Ngô Thị Kim Cúc, đăng trên báo Thanh niên, là cảm nghĩ về thơ Thu Bồn - một hồn thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất Mẹ. Khi nói về mảng trường ca, tác giả đặc biệt chú ý đến sự xuất hiện với tần số cao “hình ảnh con người không khuất phục” [23, tr.65-66]. 2.2.4. Tác giả Nguyễn Viết Lãm trong bài viết: “Bài ca chim Chơrao, một bản trường ca hay” in trên Tạp chí Văn học, số 5 (1965) là bài viết đầu tiên về trường ca Thu Bồn nói chung. Song, đấy cũng chỉ là đánh giá sơ lược về nội dung và nghệ thuật trường ca đầu tay của Thu Bồn: “Bài ca chim Chơrao”. 2.2.5. Phải đến Mai Bá Ấn với những công trình nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng như: “Đặc điểm trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm và Thanh Thảo”, “Người lính trong trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm và Thanh Thảo” hay “Trường ca Thu Bồn – thể loại và cấu trúc”… thì các trường ca của Thu Bồn mới phần nào được nghiên cứu một cách toàn diện. Mặc dù tác giả đã bước đầu đi vào tìm hiểu người lính – hình tượng nhân vật chính trong các trường ca viết về chiến tranh, 5 nhưng hướng nghiên cứu lại đi vào khảo sát tác phẩm của nhiều tác giả tiêu biểu chứ chưa tập trung lại ở một tác giả hay một đề tài cụ thể nào. Tuy nhiên, đây vẫn là những công trình hết sức quý giá và đáng được ghi nhận của Mai Bá Ấn. Tóm lại, các tác giả đã khẳng định đúng vai trò, vị trí của Thu Bồn đối với thể loại trường ca hiện đại; có những đánh giá, nhận định khái quát về đặc sắc của trường ca Thu Bồn. Song, từ trước tới nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu đặc điểm nội dung, nghệ thuật những trường ca viết về chiến tranh của ông. Tình hình trên đặt ra một vấn đề: Cần phải đi sâu tìm hiểu, lý giải và phân tích cụ thể, hệ thống từng khía cạnh: nội dung, nghệ thuật, để từ đó khẳng định những đóng góp của trường ca Thu Bồn về đề tài chiến tranh đối với văn học Việt Nam hiện đại . Luận văn này thừa kế những nhận định, những thành quả nghiên cứu trước đó về trường ca Thu Bồn. Các bài viết trên là những gợi ý hết sức quan trọng cho chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn đi sâu vào tìm hiểu và phân tích những điểm nổi bật về phương diện nội dung và nghệ thuật những trường ca viết về chiến tranh của Thu Bồn. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu những trường ca của Thu Bồn, đặc biệt là những trường ca viết về chiến tranh. Cụ thể: - “Bài ca chim Chơrao” (1963). - “Vách đá Hồ Chí Minh” (1970). - “Chim vàng chốt lửa” (1973 - 1975). - “Badan khát” (1976). - “Campuchia hy vọng” (1978). - “Người vắt sữa bầu trời” (1986). - "Oran 76 ngọn" (1980 - 1989). 6 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Chỉ ra được những đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức thể hiện của trường ca Thu Bồn về đề tài chiến tranh. - Khẳng định sự đóng góp của Thu Bồn đối với sự phát triển của trường ca Việt Nam hiện đại nói chung và thơ ca viết về chiến tranh nói riêng. 5. Phƣơng pháp nghiên cứu Đề tài sử dụng các thao tác và phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp tiếp cận hệ thống: tìm đọc tất cả các trường ca của Thu Bồn, các bài viết, các công trình nghiên cứu bàn về thể loại trường ca nói chung và trường ca Thu Bồn nói riêng; các bài viết của chính tác giả thổ lộ xung quanh việc sáng tác trường ca của mình. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: trước hết tiến hành khảo sát từng trường ca, sau đó khái quát thành những đặc điểm tiêu biểu và phân tích để làm rõ những điểm nổi bật đó. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: so sánh với một số tác giả viết cùng thể loại, cùng thời. - Ngoài ra, phương pháp khảo sát, thống kê cũng được sử dụng để đưa ra những số liệu minh họa, tạo sức thuyết phục cho các luận điểm được đưa ra. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm có ba chương: Chương 1: Những vấn đề chung về trường ca và trường ca Thu Bồn Chương 2: Những cảm hứng lớn trong trường ca viết về chiến tranh của Thu Bồn Chương 3: Những phương thức nghệ thuật trong trường ca viết về chiến tranh của Thu Bồn 7 NỘI DUNG Chƣơng 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRƢỜNG CA VÀ TRƢỜNG CA THU BỒN 1.1. Những vấn đề chung về trƣờng ca 1.1.1. Nội hàm của khái niệm trường ca Trường ca là một phạm trù thể loại có nội hàm rất rộng. Xung quanh việc xác định nội hàm khái niệm “trường ca”, ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hầu như vẫn chưa nhất quán, bởi lẽ, trường ca có dung lượng rất lớn, có khả năng tích hợp nhiều thể loại văn học, nghệ thuật khác. Theo X.I. Kormilov: “Trường ca (tiếng Hy Lạp: poèma- sáng tác) theo quan điểm hiện đại là các tác phẩm thơ ca có dung lượng lớn và vừa”. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến trong Năm bài giảng về thể loại cũng có ý kiến tượng tự: “Thể loại ta vẫn quen gọi là “trường ca” trong thuật ngữ văn học Liên Xô cũ gọi là Poèma, được hiểu với nghĩa rất rộng, nội hàm không xác định, thậm chí mông lung.“Trường ca” chỉ có nghĩa là tác phẩm thơ dài, số lượng câu thơ lớn: hàng trăm, hàng ngàn câu” [36, tr.44]. Trong Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, các tác giả dường như cũng tán thành ý kiến này khi họ cũng cho trường ca là “Tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình – Trường ca cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi (espopée) thời cổ và thời trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả” [33, tr.319]. Chẳng hạn, ở Việt Nam, tên gọi trường ca một thời dùng để chỉ các sử thi dân gian như Đam San, nay dùng để chỉ các sáng tác như Bài ca chim Chơ- rao của Thu Bồn, hay Đƣờng tới thành phố của Hữu Thỉnh... Tương tự như vậy, cuốn 150 thuật ngữ văn học, 1999, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội do Lại Nguyên Ân biên soạn cũng định nghĩa: “Trường ca là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Trường ca cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi (espopée) thời cổ và thời trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả, mà theo các nhà nghiên cứu khác nhau, chúng được soạn bằng cách xâu chuỗi các bài hát sử thi và truyện kể (theo A.Veselovski), hoặc bằng cách “nới rộng” một 8 hoặc một vài truyền thuyết dân gian (theo A. Hoysles), hoặc bằng cách cải biên các cốt truyện cổ xưa trong tiến trình tồn tại của sáng tác dân gian (theo A. Lord, M. Pary). Trường ca được phát triển từ những thiên sử thi miêu tả những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử toàn dân (Iliade, Mahalharata, Bài ca chàng Roland…)” [11]. Nhà thơ Thu Bồn thì lại cho rằng: “Trường ca là một thể loại thơ dài nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng thông qua hình tượng thơ ca, sử dụng ngôn ngữ, nhân vật, âm điệu, bố cục… một cách điêu luyện và tinh xảo nhất của toàn bộ nghệ thuật thơ ca” [55, tr.536] và “Trường ca là một tòa lâu đài của thơ ca, là một kiến trúc tổng hợp của thơ ca” [55, tr.538]. Như vậy, nhìn bao quát thì những định nghĩa, quan niệm trên cùng có một điểm chung, đó là khẳng định: trường ca là tác phẩm thơ có dung lượng lớn. Tuy nhiên, việc xác định trường ca là “tác phẩm thơ ca có dung lượng lớn và vừa”, “tác phẩm thơ dài, số lượng câu thơ lớn”… như trên, thực chất mới chỉ xác định được những dấu hiệu bề ngoài, dễ nhận thấy của thể loại đặc biệt này. Nét đặc trưng thể loại của trường ca là một tác phẩm thuộc loại hình trữ tình, hay chính xác hơn là một tác phẩm tự sự được thể hiện bằng phương thức trữ tình và cái quyết định “nội dung lớn” trong trường ca chính là tư tưởng lớn, tình cảm lớn, cảm hứng lớn của tác giả thể hiện trong trường ca. 1.1.2. Phân biệt trường ca với thơ dài và truyện thơ Từ trước đến nay, chúng ta thường hiểu trường ca theo khái niệm rộng nên nhiều tác phẩm thực chất là truyện thơ hoặc thơ dài, thậm chí là diễn ca vẫn được gọi là trường ca. Tuy nhiên, thể loại trường ca mà chúng ta nghiên cứu ở đây chính là những tác phẩm thơ theo hướng trữ tình hóa yếu tố tự sự bằng một cấu trúc nghệ thuật phức tạp và hoành tráng về cả phương diện nội dung và hình thức. Do đó, dựa trên một số đặc điểm về phương thức sáng tác, đã có nhiều nhà nghiên cứu tiến hành phân biệt trường ca với các thể loại có cùng đặc điểm hình thức như thơ dài và truyện thơ. 1.1.2.1. Trƣờng ca và thơ dài Thơ dài (còn gọi là thơ trường thiên) thực chất là thơ trữ tình nhưng mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực bằng cách tăng cường yếu tố tự sự. Vì thế, nhiều năm qua chúng ta vẫn có sự đánh đồng giữa trường ca và thơ dài. Để phân biệt rõ giữa 9 trường ca với thơ dài, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân đã chỉ ra sự khu biệt giữa hai thể loại này qua ba bình diện: 1. Về âm hưởng sử thi; 2. Về kết cấu tác phẩm; 3. Về phương thức biểu hiện. [45, tr.108-109]. Những ý kiến khu biệt này, ở cái nhìn khái quát, chúng ta dễ dàng chia sẻ và thống nhất, tuy nhiên, nếu lấy hai tác phẩm bất kỳ ra để đối chiếu cụ thể thì những khu biệt trên cũng chưa đủ sức tạo lập một đường biên rõ rệt. Ở đây, chúng ta có thể thống nhất rằng: thơ dài là thơ trữ tình nới rộng mà thôi, nghĩa là, suy cho cùng, nó là thơ, cũng như ở thể loại truyện, ta có truyện ngắn và truyện dài. Chính độ ngắn dài đó làm cho chúng có sự khác biệt về nội dung phản ánh. Vì muốn phản ánh nội dung lớn, nhà thơ phải nới dài độ rộng lớn của hình thức thơ cho phù hợp với hiện thực được phản ánh, mà đã mở rộng hiện thực phản ánh, tất phải nghiêng nặng hơn về phía tự sự mới giữ được “độ trường”. Nhưng dù có cố gắng thế nào thì độ nông của một bài thơ, dù là thơ dài, cũng có giới hạn của nó theo dòng sự kiện (vì ở thơ dài, hình bóng “nhân vật” không lấn át được cái tôi của thơ trữ tình). Theo chân Bác của Tố Hữu thực chất là một bài thơ dài, hình tượng Bác được phản ánh qua cảm xúc chủ quan của tác giả, chưa trở thành nhân vật khách quan của thời đại như ở trường ca Vách đá Hồ Chí Minh của Thu Bồn hay hình tượng Tôn Đức Thắng trong Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, hoặc hình tượng Cao Bá Quát trong Đêm trên cát của Thanh Thảo… Như vậy, giữa trường ca và thơ dài, chúng ta có thể phân biệt qua một đường biên mang tính lô-gic như sau: Nếu thơ dài là sự mở rộng dung lượng của thơ trữ tình ở mức độ vẫn còn được gọi là thơ thì trường ca cũng là sự mở rộng dung lượng của thơ trữ tình nhưng lượng mở rộng này đã tích lũy đủ để biến thành một chất mới có tên là: trường ca. 1.1.2.2. Trƣờng ca với truyện thơ Trong lịch sử văn học Việt Nam, truyện thơ Nôm đã trở thành một thể loại phát triển rầm rộ và đạt đến đỉnh cao, làm nên diện mạo văn học trung đại Việt Nam. Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp điển hình, cho nên vốn rất mạnh về tư duy tổng hợp và yếu trong tư duy phân tích. Vì lẽ đó, người Việt xem trọng thơ hơn văn, xem thơ là thể loại nghệ 10 thuật siêu phàm nhất trong mọi loại hình văn học nghệ thuật. Chữ viết của người Việt cổ sớm bị hủy diệt vì âm mưu đồng hóa của ngoại xâm, các loại chữ Hán, Nôm sau này lại quá khó học, khó phổ cập nên từ Cách mạng tháng Tám (1945) trở về trước, số lượng người Việt biết chữ để đọc được không nhiều, cho nên họ thích nghe. Mà đã nghe thì phải nhớ để mà kể lại, vì thế, họ thích chuyện được viết bằng thơ, có vần. Cũng do xuất phát từ đặc trưng văn hóa này mà trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, thể loại truyện thơ đã được hồi sinh sau khi truyện ngắn bằng văn xuôi hiện đại đầu tiên là Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản vừa ra đời đã không được người đọc chấp nhận và lập tức chìm vào quên lãng. Mãi đến khi văn xuôi Tự lực văn đoàn ra đời và chiếm lĩnh văn đàn, truyện thơ mới lại lui vào im lặng. Thực ra, văn xuôi Tự lực văn đoàn thắng thế do lượng người đọc ở đô thị (trí thức tiểu tư sản, tiểu thương thành thị) chứ quảng đại quần chúng công nông thì vẫn còn mê truyện thơ. Vì thế, khi bước vào kháng chiến với khẩu hiệu “đại chúng hóa” văn học để phục vụ công nông binh, truyện thơ đột nhiên sống lại. Đặc biệt là lần này nó được hồi sinh bằng chính sáng tác của những nhà thơ hiện đại như Việt Ánh, Nguyễn Đình Thi, Hoài Giao, Trần Hữu Thung… Điều này cho ta thấy, chức năng thể loại trước yêu cầu hiện thực quả là yếu tố quyết định đối với đời sống văn học như đã nói ở trên. Nghĩa là, do tính bảo thủ của các giá trị văn hóa mà trong lịch sử văn học nước ta, truyện thơ cứ sống dấm dẳng trong khi thực tế nó đã hoàn thành “sứ mạng thể loại” từ văn học trung đại. Vì lẽ đó mà cho đến nay, tất cả các truyện thơ hiện đại đều không còn sống được mà duy chỉ có truyện thơ Nôm truyền thống là tồn tại vĩnh viễn với thời gian. Như vậy, sự giống nhau và khác nhau của truyện thơ và trường ca là dễ dàng nhìn thấy. Cả hai đều được viết bằng thơ, những truyện thơ nghiêng về phía tự sự kết hợp trữ tình trên nền một cốt truyện và có nhân vật hẳn hoi, được kể lại theo cách kể chuyện của ngôi thứ ba. Trong khi trường ca lại trữ tình hóa các yếu tố tự sự mà không cần cốt truyện hoàn chỉnh, không cần hình tượng nhân vật điển hình, chỉ khơi gợi những số phận nhân vật trong những lóe sáng tính cách đậm chất thơ. Có thể ví truyện thơ như là những truyện (văn xuôi) có cốt truyện, có nhân vật hoàn chỉnh 11 theo lối truyền thống; còn trường ca như là những truyện không có cốt truyện, có nhân vật hoặc không có nhân vật và nhân vật đôi khi chính là “cái tôi” tác giả. 1.2. Trƣờng ca Thu Bồn trong dòng chảy trƣờng ca Việt Nam hiện đại 1.2.1. Trường ca Việt Nam hiện đại Văn học Việt Nam 1945- 1975 là giai đoạn văn học đã theo sát mỗi bước chuyển của lịch sử dân tộc. Thế hệ các nhà văn, nhà thơ đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, phản ánh một cách chân thực và lãng mạn đời sống chiến đấu, lao động của chiến sỹ, nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này. Ở thời điểm nào, văn học cũng “lấy được cái hồn”, những đường nét cơ bản, không khí hào hùng mang đậm hơi thở của cuộc sống. Thực tế đời sống đã cung cấp cho người nghệ sỹ cả tài liệu và cảm hứng, đến lượt mình, nó đòi hỏi nhà thơ phải phản ánh được không chỉ cái không khí tinh thần, mà còn cả chiều dài, chiều sâu của hiện thực. Sự thể hiện trực tiếp cảm xúc, suy ngẫm trong khuôn khổ các bài thơ thông thường trở nên chật hẹp, thơ cần có thêm tiếng nói anh hùng ca, cần khai thác triệt để mặt mạnh của phương thức tự sự để xây dựng cái nền vững chắc và cụ thể cho việc thể hiện những suy nghĩ và tình cảm lớn, tức là cần một thể loại tổng hợp của các thể thơ, tổng hợp của phương thức tự sự và phương thức trữ tình, tổng hợp tính chất của nhiều thể loại văn học, nghệ thuật khác như truyện, ký, kịch, âm nhạc, hội họa…Thể loại đó chỉ có thể là trường ca. Trong không khí hào hùng đầy chất sử thi của thời đại mới, những người lính – nhà thơ đã vào sinh ra tử ở chiến trường lại cũng có một nhu cầu hết sức tự nhiên là muốn tổng kết, nhận diện lại lịch sử một cách sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn mà dung lượng ngôn từ của một bài thơ trữ tình nhỏ không thể đủ để nhà thơ “giãi bày” tất cả nội dung hiện thực đồ sộ đó. Các nhà thơ trẻ đã tìm đến thể loại trường ca như một cuộc hội ngộ của tư tưởng sáng tạo bởi đây là một thể loại nghệ thuật tổng hợp, có nhiều ưu thế trong việc chiếm lĩnh và phản ánh cả một không gian, thời gian rộng lớn, dựng lên những chân dung và tính cách hoàn chỉnh của người anh hùng, của nhân dân, đất nước trong thời đại chống Mỹ. Cũng có thể nói, nhu cầu mở rộng dung lượng và quy mô của cảm xúc trong tác phẩm thơ trữ tình sau 12 này vẫn khiến cho trường ca trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà thơ khi phản ánh các vấn đề nhân sinh, thế sự, gắn mạch cảm xúc của tác giả với nhịp đập đa dạng, muôn màu của cuộc sống. Sự định hướng tự giác của nền văn học chiến tranh và cách mạng đối với thể tài lịch sử - dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi của từng thể loại và cơ cấu hệ thống thể loại văn học từ sau Cách mạng tháng Tám - 1945 cho đến nay. Sự hình thành thể loại trường ca và sự nở rộ của những sáng tác trường ca vào những năm 1970- 1985 gắn liền với sự phát triển của hệ thống thể loại của nền văn học dân tộc. Mặt khác, sự ra đời và phát triển của thể loại trường ca là kết quả của quá trình tự vận động theo xu hướng phát triển, hòa nhập và hoàn thiện tất yếu của các thể loại văn học. Có thể nói, văn học Việt Nam giai đoạn 1945- 1975 không thiếu một thể loại nào: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, các loại ký: ký sự, bút ký, tùy bút, truyện ký, các thể thơ: thơ tứ tuyệt, thơ trào phúng, truyện thơ, trường ca…” . Do đó, sự xuất hiện của trường ca là một tất yếu nằm trong hệ thống các thể loại văn học Việt Nam nói chung và thơ Việt Nam nói riêng. Có thể trường ca không phải là thể sau cùng của thơ trên con đường phát triển của nó, song, với tư cách là một thể tổng hợp được những ưu trội của nhiều thể thơ khác, trường ca có khả năng thâu tóm, khái quát được và thể hiện một cách sinh động, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với việc chuyển tải quy mô, tầm vóc lớn lao của những vấn đề lịch sử - thời đại; đồng thời đáp ứng được đòi hỏi cao của bản thân thể loại trong quá trình phát triển của nó. Ở nước ta, văn học trước thế kỷ XX vẫn được gọi là văn học trung đại với đặc trưng là tính quy phạm, mẫu mực, việc sáng tác hầu như phải tuân thủ chặt chẽ theo khuôn khổ nhất định. Vì thế cơ hội cho các thi sĩ, văn sĩ “sáng tạo” các thể loại mới và bộc lộ cá tính cá nhân là không nhiều. Cho đến khi làn gió đổi mới từ phương Tây thổi đến (cùng với sự kiện Pháp xâm lược nước ta) thì nền văn học Việt Nam lập tức có những sự cách tân nhanh chóng mà như Vũ Ngọc Phan đã nói trong Nhà văn hiện đại: “Ở nước ta, một năm có thể kể như ba mươi năm của người”. Thời kỳ này các thể loại văn học, đặc biệt là văn xuôi và thơ ca đồng loạt phát triển và gặt hái được những thành tựu không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trường 13 ca hầu như vẫn vắng mặt. Nguyên nhân thì có nhiều, song, công bằng mà nói, ở thời điểm đó, nền văn học Việt Nam tuy đã thoát khỏi quy phạm trung đại và tính chất khu vực, được hiện đại hóa một cách toàn diện, song nó chưa đủ để gọi là trường ca với đặc trưng cơ bản là khả năng khái quát, tổng hợp phát triển. Sau 1945, cùng với thực tế sôi động của cuộc kháng chống Pháp, các nhà thơ đã bắt nhịp được với xu thế lịch sử và hòa cùng với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mà bộc lộ tầm cảm xúc, sức khái quát của mình. Trường ca lẻ tẻ xuất hiện cùng các sáng tác dài hơi của Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận. Và phải chờ đến cuộc kháng chiến Mỹ và sau chống Mỹ, với sự xuất hiện của hàng loạt những nhà thơ trẻ tài năng, có thực tế, được rèn luyện trong môi trường cách mạng, trường ca mới thực sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. V.Maiacôvxki đã từng nói “Người làm thơ là người sáng tạo ra luật lệ, cũng sáng tạo ra các thể loại thơ ca. Việc sáng tạo ra thể loại đòi hỏi những tài năng lớn...”. Các nhà thơ trẻ, những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có đầy đủ các phẩm chất ấy, đồng thời bản thân họ cũng có nhu cầu bộc lộ tư tưởng cảm xúc của mình. Chính họ cùng với tài năng, niềm say mê đã đem đến diện mạo hoàn chỉnh mới của thể trường ca trong thơ ca dân tộc. Tóm lại, với tư cách là một thể loại hoàn chỉnh, sự ra đời của trường ca là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo của rất nhiều thế hệ nhà thơ; nó đồng thời cần có một hệ số thời gian để thử thách, hoàn thiện; nó là một phần gắn bó chặt chẽ với các thể loại khác của nền văn học dân tộc từ đó cùng với các thể loại khác, trường ca tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho nền văn học Việt Nam. Sự ra đời của trường ca là phù hợp với đòi hỏi thúc bách của thực tế đời sống. Và một thể loại như vậy sẽ có chỗ đứng vững chắc trong sự phát triển chung của toàn bộ nền văn học. Về các chặng đường phát triển của trường ca Việt Nam hiện đại, có thể thấy trường ca xuất hiện lẻ tẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khởi sắc từ những năm 60, phát triển mạnh những năm 70 và nở rộ sau những năm chiến tranh, bắt đầu lắng xuống khi bước vào thời kỳ đổi mới rồi xuất hiện trở lại vào những năm 90 của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Giai đoạn mở đầu của thể loại trường ca trong văn học 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan