Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Trung học phổ thông Lớp 12 Hình tượng người lái đò sông đà...

Tài liệu Hình tượng người lái đò sông đà

.DOCX
3
159
143

Mô tả:

Hình tượng người lái đò sông Đà
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại với những đóng góp xuất sắc trước và sau cách mạng tháng Tám. Sáng tác của Nguyễn Tuân mang phong cách riêng độc đáo, trong đó nổi bật là chất tài hoa, uyên bác. “Người lái đò Sông Đà” là tác phẩm thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật độc đáo đó. Nổi lên trong thi phẩm là vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của những người lao động bình thường trong cuộc sống đời thường, hay rõ hơn chính là vẻ đẹp của người lái đò Sông Đà. “Người lái đò sông Đà” là bài tuỳ bút xuất sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập “Sông Đà” năm 1960. Tác phẩm gắn liền với chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của chính tác giả với mục đích tìm kiếm chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cùng “chất vàng mười đã qua thử lửa” của tâm hồn con người Tây Bắc trong cuộc sống hằng ngày của họ. Người lái đò sông Đà là một nhân vật được nhà văn khám phá và thể hiện không chỉ ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ mà còn là trí dung, qua đó thể hiện tấm lòng trân trọng của bản thân đối với họ. Ngay khi miêu tả dòng sông Đà hung bạo khúc thượng nguồn, Nguyễn Tuân đã có ý thức tạo dựng một nền thiên nhiên dữ dội kì vĩ, một không gian hào tráng, lớn lao xứng đáng với sự xuất hiện của người anh hùng sông nước. Đó là một không gian của thác ghềnh hiểm trở, của sóng gió cuồn cuộn thét gào “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió...” một không gian của những hút nước ghê rợn, những thác đá dữ dằn, hiểm ác. Để làm nổi bật vẻ đẹp của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật vào bối cảnh hết sức đặc biệt. Tác giả đã miêu tả cuộc vượt thác nguy hiểm và ngoạn mục trong đó nổi bật là sự tương phản giữa một thiên nhiên ác hiểm, hung bạo với con người trí dũng ngoan cường, đó cũng là trận thủy chiến dữ dội giữa một bên là những trùng vị thạch trận của đá thác, nước thác cùng sóng gió với một bên là chiếc thuyền then đuôi én mỏng manh và người lái đò nhỏ bé, đơn độc. Đối thủ ghê gớm của ông đò trong cuộc vượt thác là cả một đoàn quân đá hung bạo, dữ dằn. Những thuật ngữ của quân sự, võ thuật, thể thao như “dàn sẵn trận địa”, “dụ thuyền đối phương”,… đã nhân cách hoá dòng sông khiến cho thiên nhiên sông Đà với sóng dữ, thác dữ, đá dữ trở nên hung hãn, hiểm ác như kẻ thù số một của con người. Để đưa con thuyền vượt thác sông Đà khúc thượng nguồn, những người lái đò phải đối đầu với cả một trùng vi thạch trận trên dòng sông. Sự hung bạo và hiểm ác của thiên nhiên sông Đà chính là những tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ vẻ đẹp trí dũng tài hoa của mình khi người lái đò luôn phải tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo, càng phải ngoan cường, dũng cảm mới có thể đưa con thuyền an toàn vượt qua những trùng vi thạch trận trên dòng sông. Ông lái đò bước vào “trùng vi thạch trận thứ nhất” đầy căng thẳng. Khi sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm nhất, đau đớn đến “mặt méo bệch đi”. Cách sử dụng từ độc đáo đã giúp nhà văn làm hiện ra không chỉ là gương mặt biến dạng, trắng bệch vì đau đớn mà còn nhợt nhạt vì phải dầm lâu trong nước lạnh. Sự đau đớn của ông đò còn được gián tiếp miêu tả trong một cảm nhận của thị giác và xúc giác: “Mặt sông trong tích tắc loà sáng như một cửa bê đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. Trong trận hỗn chiến gian lao khi tương quan lực lượng quá chênh lệch với sóng thác sông Đà, ông đò đã dũng cảm, cố nén vết thương đau đớn, ngoan cường khéo léo đưa con thuyền vượt vòng vây thứ nhất của thạch trận trên sông Đà. Qua cách miêu tả tiếng hô chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái, Nguyễn Tuân đã không giấu được lòng ngưỡng mộ và cảm phục trước bản lĩnh kiên cường, sự dũng mãnh, bình thân của người lái đò. Vòng thứ hai này có phần hung hiểm hơn trước khi “tăng thêm nhiều cửa tử để lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch sang bờ hữu ngạn” Thế nhưng cái bẫy đó cũng chẳng qua nổi con mắt tinh tường của ông lái đò, bởi ông đã nắm chắc “quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Ông được miêu tả như một dũng tướng tài ba đang điều khiển, thuần phục con hổ của sóng thác sông Đà khi “nắm chắc bờm sóng... ghì cương... phóng nhanh vào cửa sinh”. Ngặt thay lại có một bọn đá định lôi con thuyền vào tập đoàn cửa tử, thì ông đò “vẫn nhớ mặt bọn này”. bọn thác đá vẫn không ngừng khiêu khích, nhưng chúng chỉ như đang làm trò hề trước mặt ông đò, bởi ông đã tự tin “tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên chặt đôi mà mở đường tiến”. Thế là xong nốt ải thứ hai, nhanh và chuẩn xác. Nói nghe thì dễ đấy, nhưng có mấy ai đủ bình tĩnh và tay chèo điêu luyện để nhằm trúng vào cửa sinh như ông? Ở vòng vây cuối, sự hiểm ác của thác đá đã được nhà văn miêu tả trong hình ảnh ấn dụ tài hoa về “cổng đá cánh mở cánh khép”. Đó là cả một mặt trận đá trùng điệp trong đó bức tường phòng ngự vững chắc của lũ “đá hậu vệ” kết hợp với những mũi tấn công ào ạt, tới tấp không ngưng nghỉ của sóng dữ. Nhiệm vụ của ông đò là phải phóng thẳng thuyền, chọc thủng một luồng sinh duy nhất ở ngay giữa cửa bọn đá hậu vệ trấn giữ. Hình ảnh con thuyền lao vút qua khe hẹp được miêu tả trong những câu văn ngắn mà bản thân cách ngắt câu, sự kết hợp những động từ và danh từ nối tiếp đã thể hiện sự điêu luyện khéo léo và sức mạnh của ông đò. Tài năng của ông khi ấy đã bao hàm cả trí tuệ, sự trải nghiệm, sức mạnh thể lực, trình độ điêu luyện và bản lĩnh kiên cường, tất cả đều đạt tới mức phi phàm, kì diệu. Sau khi chiến thắng thiên nhiên hung bạo, những người lái đồ lại “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh.. chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thẳng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tưởng dữ quân tợn”. Thái độ bình thản ấy càng làm đậm thêm tầm vóc lớn lao của những người anh hùng trong cuộc sống đời thường bình dị khi họ coi việc chiến đấu và chiến thắng sông Đà dữ đội, hiểm ác, việc giành sự sống từ những cửa tử của ghềnh thác sông Đà chỉ là chuyện thường ngày. Chính điều này đã gơi nhớ đến người anh hùng Huấn Cao. Trước khi ra pháp trường xử tử, ông vẫn dành giây phút cuối cùng của cuộc đời mình ung dung tặng chữ cho người quản ngục. Đó là sự gặp gỡ trong cốt cách của những người anh hùng, những người nghệ sĩ lớn Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa uyên bác luôn quan sát, khám phá, diễn tả thế giới ở phương diện văn hoá, thấm mĩ, miêu tả con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Trước năm 1945, vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ ấy chỉ có ở những người xuất chúng, những bậc kì tài, vì thế, cái đẹp và người tài thường cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Sau năm 1945, Nguyễn Tuân cho rằng bất cứ người lao động nào khi đạt tới trình độ điêu luyện giỏi giang trong công việc của mình đều có thể coi là nghệ sĩ và xứng đáng được tôn vinh ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Và ông đã thành công khám phá vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động bình thường trong cuộc sống đời thường, qua đó mà bộc lộ tấm lòng trân trọng, yêu mến đối với họ. Với việc thể hiện nhuần nhuyễn những nét phong cách ấy, tác phẩm đã thực sự thành công khi phát hiện và miêu tả chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cùng chất vàng mười quí giá trong tâm hồn, tính cách những người lao động bình dị. Tuỳ bút Người lái đò sông Đà đã trở thành một thiên anh hùng ca ca ngợi vẻ đẹp hào tráng của con người trong cuộc chiến đấu chỉnh phục thiên nhiên. Với quan niệm thâm mĩ mới mẻ, tích cực của Nguyễn Tuân, người lái đò nơi thượng nguồn Tây Bắc thực sự là một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng sông nước khi hàng ngày phải chiến đấu và luôn phải chiến thắng thiên nhiên bằng trí tuệ, sự khéo léo, sức mạnh và lòng can đảm của mình.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan