Mô tả:
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học- công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, sản xuất nhỏ phân tán, năng suất chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Xuất phát từ những khó khăn hạn chế nêu trên, chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất to lớn. Để thực hiện chủ trương này, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định 800 ngày 4-6-2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí để làm căn cứ cho việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đây là một trong những chủ trương mang tính chiến lược mở ra vận hội mới vô cùng quan trọng cho phát triển đất nước. Trong phạm vi toàn quốc, chương trình xây dựng nông thôn mới đã được xây dựng thí điểm quy mô cấp xã từ năm 2001 với 11 xã được chọn để thử nghiệm chương trình này. Kết quả bước đầu rất khả quan đã định hình được hình thái nông thôn mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ở Thừa Thiên Huế, bước đầu có 6 xã được tỉnh đưa vào diện quy hoạch xây dựng điểm nông thôn mới và Phong Mỹ là một trong những địa phương được chọn làm điểm của Tỉnh. Với lợi thế là một xã vùng cao diện tích đất lớn, Phong Mỹ có nhiều thế mạnh để thực hiện thành công NTM. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, việc thực hiện chương trình nông thôn mới đang gặp nhiều khó khăn: Xuất phát điểm thấp còn nhiều tiêu chí NTM chưa đạt được, nguồn lực hạn chế, tổ chức thực hiện còn gặp nhiều lúng túng, sự tham gia của người dân còn hạn chế .... Do đó, chương trình xây dựng NTM ở địa phương diễn ra chậm chạp, thiếu thống nhất, hiệu quả thực hiện chương trình chưa cao. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi tiến hành đề tài "Thực trạng và một số giải pháp xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế". 1.2. Mục tiêu nghiên cứu - Đánh giá thực trạng tình hình kinh tế- xã hội của xã Phong Mỹ theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. - Đề xuất một số giải pháp để xây dựng thành công nông thôn mới tại xã Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. 1.3. Câu hỏi nghiên cứu - Xã Phong Mỹ đã đạt được những tiêu chí nào trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới? - Làm thế nào để xây dựng thành công nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa phương ? 1.4. Các giả thuyết nghiên cứu So với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Phong Mỹ vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt được. Để xây dựng thành công nông thôn mới địa phương cần có những giải pháp cụ thể, hợp lí, khoa học.