Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Lồng ghép một số câu tục ngữ, thành ngữ nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy môn sinh ...

Tài liệu Lồng ghép một số câu tục ngữ, thành ngữ nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy môn sinh học lớp 12 thpt – chương trình chuẩn

.DOC
14
1032
147

Mô tả:

A. ĐẶT VẤN ĐỀ I. Lí do chọn đề tài Trong xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như vũ bão với sự xuất hiện của nhiều ngành khoa học mới đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin làm cho khối lượng tri thức tăng lên một cách nhanh chóng. Điều đó đã đặt ra cho nghề dạy học một yêu cầu mới không chỉ dạy học kiến thức mà quan trọng hơn là dạy cho học sinh cách học và tự học. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã và đang tiến hành đổi mới toàn diện về giáo dục ở các cấp học trong đó có THPT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Sự đổi mới này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong đó đổi mới phương pháp dạy học được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phương pháp dạy học tích cực ngày càng được chú trọng và trở nên phổ biến. Trong quá trình giảng dạy môn sinh học THPT tôi nhận thấy đa phần học sinh đều cho rằng môn Sinh học thường là khô khan, khó hiểu. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn. Một thực trạng dễ thấy là ở học sinh, nhất là những em có học lực từ trung bình trở xuống thường rất khó tập trung trong giờ học bộ môn. Vấn đề đặt ra là giáo viên phải không ngừng tìm tòi mọi phương pháp, cách thức để khơi dậy sự hứng thú, nhiệt tình học tập của học sinh nếu không tiết dạy sẽ trở nên nhàm chán, khó có được sự thành công. Qua nhiều năm trực tiếp giảng dạy môn Sinh học ở trường THPT Lê Lai, nếu giáo viên biết kết hợp giữa kiến thức bộ môn với những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thì bài học sẽ hay hơn, sinh động hơn rất nhiều. Với sự trăn trở tìm giải pháp khơi dậy sự hứng thú học tập ở học sinh đối với bộ môn Sinh học THPT tôi muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp những kinh nghiệm về việc “Lồng ghép một số câu tục ngữ, thành ngữ nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy môn sinh học lớp 12 THPT – Chương trình chuẩn”. II. Phạm vi đề tài Trong đề tài này, Tôi chỉ sử dụng một số câu tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam mà ông cha ta đã để lại liên quan đến kiến thức sinh học THPT lớp 12 – Chương trình chuẩn nhằm tạo được cảm xúc, hứng thú trong học tập, qua đó nâng cao dần chất lượng dạy và học của bộ môn nói riêng và của Nhà trường nói chung. 1 III. Mục tiêu đề tài Qua quá trình giảng dạy và kết quả đạt được, tôi thấy đề tài rất sát với thực tế dạy học bộ môn sinh học lớp 12 THPT - Chương trình chuẩn. Đặc biệt là các trường miền núi có tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao và học sinh xuất thân từ các gia đình thuần nông như trường THPT Lê Lai. Bản thân tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm nhỏ mà mình tích góp được trong quá trình dạy học, nhằm tạo ra sự hứng thú trong học tập bộ môn của các em học sinh và nâng cao chất lượng bộ môn xứng đáng với vị trí của nó. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Cơ sở lí luận Trong ngành giáo dục, chúng ta đều biết rằng tất cả các môn học trong nhà trường ít nhiều đều liên quan với nhau, cùng hỗ trợ nhau trong việc phát triển kiến thức, kĩ năng cho học sinh. Trong bối cảnh hiện nay ngành giáo dục đang hướng tới việc đào tạo ra những con người toàn diện, hiểu biết về nhiều mặt do đó việc khai thác mối liên hệ giữa các bộ môn càng cần phải được phát huy. Bộ môn sinh học không chỉ liên quan mật thiết với các bộ môn thuộc khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa... mà còn gắn bó với các bộ môn thuộc khoa học xã hội như Văn, Giáo dục công dân...Vấn đề đặt ra là chúng ta cần khai thác mối liên hệ đó như thế nào, đảm bảo tính tích hợp trong quá trình dạy học làm sao để nâng cao hiệu quả của từng tiết dạy. Mặt khác, ngoài hệ thống tri thức mang tính khoa học được thể hiện trong sách giáo khoa, các tài liệu khác, tri thức bộ môn còn được thể hiện rất nhiều ở hệ thống kinh nghiệm mà cha ông chúng ta qua các thế hệ đã đúc kết trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Đây là những kinh nghiệm được đúc kết trong đời sống và quá trình sản xuất, được truyền từ đời này sang đời khác giúp mọi người hiểu được thực tế của cuộc sống; các hiện tượng xảy ra liên quan đến kiến thức sinh học và thực tế sản xuất. Đó cũng là những câu truyền miệng rất dễ nhớ, dễ thuộc với hàm ý cô đọng và sâu sắc mà trong quá trình giảng dạy bộ môn Sinh học có thể lồng ghép một số câu tục ngữ, thành ngữ vào trong một số nội dung của bài học trong chương trình sinh học THPT rất hợp lí và thuận lợi. Thế nhưng trên thực tế việc vận dụng hệ thống kinh nghiệm này trong dạy và học bộ môn còn ít được quan tâm. Có rất nhiều câu tục tục ngữ, thành ngữ khi đọc lên đã giúp học sinh hiểu ngay giá trị thực tiễn nên giáo viên có thể sử dụng để đặt vấn đề hay để minh họa cho kiến thức cần giải quyết trong bài học. Nhiều câu chỉ nêu lên những hiện tượng mà việc giải thích cần phải có tài liệu hỗ trợ và sự hướng dẫn tổ chức học tập của giáo viên thì học sinh mới hiểu một cách sâu sắc. 2 Vì vậy, khi tiếp xúc với những vấn đề mang tính thực tế học sinh thường gặp khó khăn trong việc giải thích, liên hệ các hiện tượng liên quan đến kiến thức bộ môn từ đó dẫn đến mức độ hứng thú đối với bộ môn không cao, chất lượng bộ môn giảm sút. II. Khái quát về tục ngữ, thành ngữ Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một luân lý, có khi là một sự phê phán, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội…), được nhân dân ta vận dụng vào thực tiễn đời sống. Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh. Còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh. Nội dung của tục ngữ thuộc về đúc rút những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử - xã hội của nhân dân (ví dụ: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm). Thành ngữ lại mang tính biểu trưng, khái quát và giàu hình tượng nên thường dùng nghệ thuật tu từ ẩn dụ hoặc nghệ thuật tu từ hoán dụ. Chẳng hạn "Chân cứng đá mềm". Chính vì vậy, thành ngữ dễ gây được ấn tượng mạnh mẽ với người nghe, người đọc, hiệu quả biểu đạt và biểu cảm rất cao nên nhân dân thường dùng xen vào lời ăn tiếng nói (ví dụ: Tôi chúc anh đi "chân cứng đá mềm")... Một điểm đáng chú ý nữa là, tục ngữ thường dùng độc lập, vì nó là một câu và diễn đạt một ý trọn vẹn. Chẳng hạn, người ta thường nhắc nhau: "Lờì nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Còn thành ngữ mới chỉ là một cụm từ, nên người ta thường dùng xen trong câu nói. Chẳng hạn: "Chúng ta không nên "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Có một số ý kiến cho rằng, tục ngữ không có nghĩa bóng. Hiểu như vậy không hoàn toàn đúng, Thực ra đa số tục ngữ có hai nghĩa: Nghĩa đen và nghĩa bóng, và nghĩa bóng là thông báo chủ yếu của tục ngữ. Ví dụ câu: "Có sừng thì đừng hàm trên". Nghĩa đen của câu tục ngữ này nói về hình ảnh con trâu, còn nghĩa bóng (nghĩa chính) nói về quy luật phân phối tự nhiên và xã hội, về tính tương đối của mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống. Thành ngữ là một cụm từ ổn định trật tự, thường có vần điệu nhất định để khái quát hóa một ý nghĩa nào đó (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Tục ngữ giống thành ngữ về cấu trúc hình thức, nhưng bản chất lại là những tổng kết, kinh nghiệm hay quan niệm sống… gần như được cộng đồng chấp nhận như một qui luật. 3 Hầu hết những câu thành ngữ, tục ngữ đều do nhân dân sáng tác. Có người nói tục ngữ là ngạn ngữ (nghĩa là lời nói đã lưu hành từ xưa). Như vậy, tục ngữ được cấu tạo trên cơ sở những kinh nghiệm về sinh hoạt, sản xuất... Nó là những câu đúc kết những nhận xét đã được nhiều người thừa nhận, để hướng dẫn con người ta trong sự nhìn nhận mọi khía cạnh của cuộc đời. III. Thực trạng của vấn đề Trong quá trình giảng dạy tại trường bản thân tôi thấy nếu chỉ đưa ra những câu hỏi đơn thuần trong một tiết học thì một tiết học sẽ chở nên rất khô khan học sinh không có hứng thú học tập, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, tôi đã tìm tòi một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ áp dụng vào một số tiết dạy và tôi nhận thấy nếu giáo viên biết kết hợp giữa kiến thức bộ môn với những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thì bài học sẽ hay hơn, sinh động hơn rất nhiều. Lý do giải thích cho vấn đề này đó là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ... ngoài việc ôn lại cho học sinh kiến thức văn học còn giúp học sinh giải thích những kinh nghiệm mà cha ông ta đã đúc kết qua nhiều thế hệ trên cơ sở khoa học. Hơn thế, đó lại là những vấn đề hết sức gần gũi với cuộc sống thường ngày của học sinh nên dễ tạo được cảm xúc, hứng thú để học tập. Qua quá trình áp dụng giảng dạy trong một thời gian tôi thấy học sinh có hứng thú hơn với bộ môn, kết quả học tập được nâng nên rõ rệt, tỉ lệ học sinh yếu kém đã giảm đi rất nhiều, số lượng học sinh khá giỏi ngày càng được nâng cao. IV. Giải pháp và tổ chức thực hiện 1. Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện đề tài 1.1. Thuận lợi: Thứ nhất: Bản thân là một giáo viên có nhiều năm tham gia giảng dạy môn Sinh học THPT nên nắm bắt rất rõ đặc điểm của bộ môn, mục đích, yêu cầu của chương trình và hiểu rõ những khó khăn mà các em học sinh đang gặp phải khi lĩnh hội kiến thức sinh học. Thứ hai: Ngày nay với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin truyền thông đã giúp các em tiếp cận kiến thức sinh học với nhiều nguồn khác nhau để lĩnh hội kiến một cách đầy đủ nhất. Bên cạnh đó các em nhìn nhận bộ môn Sinh học cũng theo chiều hướng tích cực hơn. Thứ ba: Học sinh trường THPT Lê Lai đa số các em đều ngoan, được trang bị đầy đủ sách giáo khoa, sách bài tập và có thư viện với các đầu sách để các em tham khảo. 4 1.2. Khó khăn: Thứ nhất: Học sinh trường THPT Lê Lai có đến 90% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, trình độ không đồng đều nên chất lượng bộ môn còn thấp. Thứ hai: Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu, chưa có phòng học bộ môn, các trang thiết bị phục vụ dạy học vẫn còn thiếu, chưa tương xứng với công cuộc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ ba: Để vận dụng tốt đề tài này vào dạy học sinh học lớp 12 đòi hỏi người giáo viên giảng dạy phải am hiểu kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam và chịu khó tìm tòi, sưu tầm thêm các kinh nghiệm dân gian cũng như việc lồng ghép vào bài giảng có liên quan đến kiến thức một cách thật tự nhiên. 2. Tổ chức thực hiện 2.1. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để kiểm tra bài cũ Khi kiểm tra nội dung kiến thức bài 39: Biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật. Mục I.1. Biến động theo chu kì. Giáo viên có thể đặt câu hỏi: Bằng hiểu biết thực tế và kiến thức đã học, em hãy giải thích câu: “Mùa thu chim ngói, mùa hè chim cu” Hay câu tục ngữ này đề cập đến vấn đề gì? Với câu hỏi này giáo viên gợi ý học sinh cần trả lời được các nội dung sau: Đây là câu tục ngữ nói về kinh nghiệm đánh bắt chim. Sự biến động số lượng cá thể chim ngói và chim cu theo chu kỳ mùa và phụ thuộc vào nguồn thức ăn có trong môi trường. Hoặc câu: “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm” Với việc sử dụng câu tục ngữ này chắc chắn giáo viên sẽ dễ dàng hơn trong việc khắc sâu kiến thức biến động theo chu kỳ mùa cho học sinh: Tháng chín vào ngày hai mươi và tháng mười vào ngày mồng năm (âm lịch) thì Rươi xuất hiện rất nhiều bởi lẽ đây là giai đoạn chúng kết đôi để sinh sản. Đây là kinh nghiệm khai thác rươi của ông cha ta đã đúc kết lại. Đối với bài 13: Ảnh hưởng của môi trường lên sự biểu hiện của gen Mục III. Mức phản ứng của kiểu gen: Giáo viên có thể đặt câu hỏi: Bằng những kiến thức đã học em hãy giải thích câu tục ngữ: “Cố công không bằng giống tốt” để nêu lên vài trò của giống trong việc tăng năng suất cây trồng. Giáo viên cần định hướng câu trả lời của học sinh đối với câu “Cố công không bằng giống tốt”: Kiểu gen (giống) qui định khả năng về năng suất (kiểu hình) của một giống vật nuôi hay cây trồng. Kĩ thuật sản xuất (môi trường) qui 5 định năng suất cụ thể của một giống trong mức phản ứng (sự mềm dẻo kiểu hình) do kiểu gen qui định. Do đó giống tốt cho năng suất cao, còn giống không tốt dù bỏ nhiều công sức ra để chăm sóc thì năng suất vẫn không cao được. Ví dụ với chế độ chăn nuôi tối ưu, lợn Ỉ Nam Định 10 tháng tuổi chỉ đạt không quá 50 kg, trong khi đó lợn Đại bạch đạt tới 185kg… Hoặc có thể dùng câu: “Tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa” để kiểm tra và khắc sâu kiến thức thực tế cho học sinh: Yếu tố đầu tiên đảm bảo cho cây lúa khoẻ cần phải có hạt giống tốt. Gieo trồng hạt giống tốt là điều kiện cần thiết để cây lúa khoẻ, có khả năng chống chịu sâu bệnh và vượt qua được biến động bất lợi của điều kiện môi trường từ đó mới có thể cho năng suất, chất lượng cao. Một giống lúa (giống vật nuôi hay cây trồng) năng suất chỉ có giới hạn, muốn phát huy hết khả năng của giống cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tối ưu; còn nếu muốn vượt giới hạn năng suất của giống không có cách nào khác là phải cải tạo giống cũ hoặc thay đổi giống cũ bằng giống khác. Hay các câu tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” “Phân tro không bằng no nước” “Muốn cho lúa nảy bông to, Cày sâu bừa kĩ phân tro cho nhiều”... để nêu lên vai trò kĩ thuật (môi trường) đối với việc tăng năng suất (kiểu hình) cây trồng. Tuy nhiên trong từng điều kiện cụ thể mà người ta nhấn mạnh yếu tố kĩ thuật sản xuất (môi trường) hay yếu tố giống (kiểu gen). Ngoài ra giáo viên có thể yêu cầu học sinh giải thích thêm câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” Để nói đến nội dung đặc điểm mức phản ứng rộng của các tính trạng số lượng (tâm lí): chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện môi trường. Mở rộng nghĩa hơn đó chính là: hoàn cảnh sống tác động đến nhân cách con người như thế nào. Mực là chỉ hoàn cảnh không tốt, môi trường sống không lành mạnh. Đèn là chỉ môi trường sống tích cực. Như thế có nghĩa là khi người ta sống trong môi trường không tốt thì nhân cách dễ bị tha hóa, dễ làm điều sai trái và sa ngã. Ngược lại, nếu như được giáo dục trong môi trường lành mạnh thì con người có thể rèn luyện được tính cách của mình cho tốt. Hoàn cảnh tác động và chi phối đến nhân cách chúng ta rất nhiều. Trẻ con sinh ra giống như một tờ giấy trắng. Những gì ta giáo dục, môi trường tác động đến nó như thế nào thì nó sẽ trở thành một con người như thế ấy. Nếu xung quanh bạn luôn có những người tốt, sống tích cực thì bạn cũng sẽ học được ở họ nhiều điều hay. Và ngược 6 lại, nếu quanh bạn chỉ toàn những người xấu thì hoàn cảnh tiêu cực ấy cũng sẽ dần làm bạn tha hóa về nhân cách… 2.2. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để mở bài Ở bài 22: Bảo vệ vốn gen của loài người và một số vấn đề xã hội của di truyền học. Mục I: Bảo vệ vốn gen của loài người (tư vấn di truyền và sàng lọc trước sinh): Giáo viên có thể đặt câu hỏi mở bài: Bằng những kiến thức đã học em hãy giải thích câu thành ngữ: “ Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống (họ)” Trong quá trình học sinh thảo luận trả lời, giáo viên cần hướng câu trả lời của học sinh tới nội dung: Muốn tiến tới hôn nhân cần phải xem vợ (chồng) tương lai có mắc bệnh hay tật di truyền gì không, có cùng mắc bệnh hay tật di truyền với mình hay không? có cùng quan hệ huyết thống không? và để tìm hiểu vấn đề này cần phải thông qua những người trong gia đình, trong cùng dòng họ. Có khi những biểu hiện sinh học đó không thấy ở người mình muốn lấy nhưng có thể thấy ở thế hệ con cháu. Nếu không cùng huyết thống hay không mắc các bệnh, tật di truyền giống nhau thì kết hôn và ngược lại thì cần hạn chế kết hôn hay sinh con, bởi vì bệnh hay tật ở những người thuộc một dòng họ có liên quan đến vật chất di truyền nên di truyền từ đời này sang đời khác. Tiếp theo đó giáo viên chuyển tiếp vào bài mới: Vậy, nhằm hạn chế những bệnh, tật di truyền cho loài người chúng ta cần tìm hiểu các biện pháp bảo vệ vốn gen của loài người cũng như một số vấn đề xã hội của di truyền học, đó là nội dung nghiên cứu bài học hôm nay. Ngoài ra, Giáo viên cũng có thể sử dụng câu tục ngữ này để dạy một số nội dung của bài 21: Di truyền y học: Các bệnh, tật di truyền liên quan đến đột biến gen và đột biến NST: Một số bệnh về hemôglôbin (Hb), các yếu tố đông máu, Hội chứng Đao, bệnh ung thư… trên cơ sở lý giải nội dung câu tục ngữ này như bài 22 (tư vấn di truyền và sàng lọc trước sinh). Khi thực hiện dạy bài 46: Quản lý và sử bền vững tài nguyên thiên nhiên. Mục: Khắc phục suy thoái môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giáo viên nên sử dụng câu thành ngữ: “ Rừng vàng, biển bạc” Với câu thành ngữ này giáo viên có thể sử dụng chúng làm lời dẫn khi bước vào nội dung bài dạy. Trước hết giáo viên nêu câu thành ngữ và hỏi: Tại sao người ta lại nói như vậy? Để tìm hiểu chúng ta cùng nghiên cứu nội dung bài học. Với câu thành ngữ này học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận với vai trò của rừng và biển và vấn đề khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng, biển. Tại sao nói rừng là vàng, biển là bạc? Qua đó yêu cầu học sinh nêu rõ vai trò của rừng, của biển đối với tự nhiên và đời sống con người từ đó nâng cao ý thức cho học sinh trong việc sử dụng hợp lí và bảo vệ tài nguyên rừng và biển. 7 Mặt khác, giáo viên có thể sử dụng câu thành ngữ: “Tấc đất tấc vàng” và đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại nói tấc đất tấc vàng? Sau đó dẫn dắt học sinh đi đến kết luận: Đất rất quan trọng trong đời sống con người. Nó là môi trường sản xuất lương thực, thực phẩm nuôi sống con người. Đất đai, nói một cách đơn giản là một điều kiện không thể thiếu được cần cho sự sống còn của con người. Bản dự thảo luật đất đai của nước ta công bố ngày 21 tháng 8 năm 1987 đã khẳng định: "Đất đai là tài nguyên vô cùng quí giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế văn hóa xã hội, an ninh và quốc phòng". Vì vậy chúng ta phải quý đất, sử dụng hợp lí tài nguyên đất. Qua đây giáo viên có thể giáo dục học sinh ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung, tài nguyên đất nói riêng. 2.3. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để giải thích hay kết luận nội dung kiến thức Với bài 8,9 “ Quy luật Men Đen”: Giáo viên có thể sử dụng các câu tục ngữ sau: “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy” “ Cha nào con nấy” “ Nòi nào giống nấy” “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”… để dẫn dắc học sinh lĩnh hội kiến thức, giáo viên có thể đặt câu hỏi: Em hiểu các câu tục ngữ trên như thế nào? Giải thích nghĩa của câu tục ngữ trên về mặt sinh học? Trong khi học sinh thảo luận phát biểu, giáo viên cần định hướng câu trả lời của học sinh hướng tới nội dung kiến thức cần đạt tới sau đó chốt lại kiến thức: Con cái nhà ai thì mang đặc điểm của nhà đó trên những nét lớn. Điều này thể hiện đặc điểm di truyền các tính trạng tuân theo quy luật di truyền Men Đen; tính cách của con cái có thể không giống cha mẹ bởi lẽ việc hình thành nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và về mặt nào đó nó còn liên quan đến sự biến dị từ đó dẫn đến sự sai khác giữa bố mẹ và con cái. Giáo viên cần tiếp tục gợi ý để vào nội dung bài sát hơn: Em hãy giải thích câu tục ngữ: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” Giáo viên cần hướng câu trả lời của học sinh: Con, cháu sinh ra không giống bố mẹ, ông bà ở đặc điểm này thì giống ở đặc điểm khác nhờ hiện tượng di truyền các tính trạng do các gen qui định qua các thế hệ. Mở rộng hơn, giáo viên có thể giải thích câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”: để nói cả về hình thức, lẫn tính cách của một đứa trẻ 8 sinh ra đều có nét gì đó giống bố, giống mẹ, và thường là “phải” giống bố, hoặc anh em bên nội nhiều hơn. Người Việt Nam còn có một “thông lệ” là khi đi thăm những đứa trẻ mới sinh gần như ai cũng lên tiếng khen con giống bố, thậm chí là cố ngắm nghía để tìm ra “nét” nào đó của ông bố mà khen giống, dẫu biết là khen “bừa” và đứa trẻ thực tế là trông rất giống mẹ. Trên thực tế, có vô số đứa trẻ sinh ra không giống bố, chẳng giống mẹ, thậm chí ngắm mãi cũng chẳng thấy chúng có nét nào của ông bà nội ngoại, hay cô, dì, chú, bác, cậu ruột thịt. Khi đó, chúng rất dễ trở thành mối nghi ngờ âm thầm dẫn đến bất hòa, nghi kỵ, thậm chí nhiều gia đình đã tan vỡ, dẫu những nghi ngờ này hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Các nhà khoa học đã chứng minh, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều bằng sự kết hợp “công bằng” một nửa gen từ bố và một nửa từ mẹ, nên đều mang trong mình những nét của cả bố và mẹ, xét cả về ngoại hình lẫn tính cách. Tuy nhiên, do sự sắp xếp ngẫu nhiên của các gen di truyền mà những nét này ít hay nhiều, giống hoàn toàn hay giống một phần. Có những đứa trẻ là kết tinh của những nét đẹp nhất của bố mẹ, có những đứa trẻ lại mang những nét không đẹp nhất của bố mẹ, có đứa lại chỉ giống bố, có đứa lại là “khuôn đúc lại” của mẹ. Và cũng không ít đứa trẻ lại giống với người cách nó một thế hệ như ông, bà... hoặc giống cô, dì, chú, bác, cậu ruột. Bên cạnh đó, có những đứa trẻ lại mang gen “lặn” về hình thức với bố mẹ, không giống bất kỳ ai, kể cả là ông bà, cô, dì, chú, bác, cậu ruột. Khi dạy bài 36: Quần thể sinh vật và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể. Mục II. Quan hệ giữa các cá thể trong quần thể, giáo viên có thể sử dụng câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để dẫn dắc và khắc sâu nội dung kiến thức cho học sinh về mối quan hệ hỗ trợ giữa các cá thể cùng loài được thể hiện qua hiệu quả nhóm: Chống gió bão, hạn chế thoát hơi nước, sinh trưởng nhanh và chịu hạn tốt hơn cây sống riêng lẻ. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa khác: “một cây” ý chỉ một cá nhân, một phần tử rất nhỏ bé trong xã hội. Còn “ba cây” chính là một tập thể bao gồm nhiều người. Câu tục ngữ trên mang cho mình hai tầng ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói nếu chỉ với một cái cây nhỏ bé thì không thể nào làm nên ngọn núi hay ngọn đồi. Nhưng ngược lại, với ba cây thì ngọn đồi, ngọn núi đó sẽ được trọn vẹn rất nhiều. Cũng như trong công việc chỉ có một cá nhân thì chẳng thể nào làm nên việc lớn được. Nhưng trong một tập thể với nhiều suy nghĩ và ý tưởng khác nhau thì con người sẽ đạt được sự thành công dễ dàng hơn. Qua câu tục ngữ trên, cái mà người xưa muốn gửi gắm đến chúng ta chính là tinh thần đoàn kết, một yếu tố rất cần thiết cho đời sống con người. Đối với học sinh, chúng ta cần rèn luyện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau một cách đúng đắn trong học tập. Ngoài ra, mỗi học sinh hãy 9 tuyên truyền cho những người thân trong gia đình cũng như mọi người về tinh thần đoàn kết. Về phía nhà trường và các bậc phụ huynh, mỗi thầy cô và mỗi cha mẹ hãy giáo dục cho con em mình tình đoàn kết ngay từ lúc bé để sau này mỗi mầm xanh của đất nước sẽ nảy mầm và hình thành được một nhân cách tốt đẹp. Đoàn kết là phẩm chất tốt, cần thiết cho mỗi người. Hãy đoàn kết với nhau để người với người có thể xích lại gần với nhau hơn. Xã hội chỉ thật sự tốt đẹp khi mọi người biết đoàn kết, thương yêu và tương trợ lẫn nhau. Mặt khác, khi dạy đến mục: Quan hệ cạnh tranh; giáo viên yêu cầu học sinh giải thích câu: “Cá lớn nuốt cá bé” Giáo viên cần lưu ý học sinh giải thích cả nghĩa đen và nghĩa bóng, liên quan đến nội dung quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể cùng loài. Sau đó cần chốt lại nội dung kiến thức: Khi số lượng cá thể của quần thể tăng quá cao, không phù hợp với nguồn sống, sẽ dẫn tới trạng thái thừa “dân số” gây nên ảnh hưởng xấu đến các cá thể trong quần thể: ở thực vật gây nên hiện tượng tỉa thưa tự nhiên khi đất thiếu dinh dưỡng, thiếu ánh sáng; ở động vật gây ô nhiễm môi trường sống, giảm khả năng sinh sản, tranh giành nhau thức ăn, thậm chí ăn thịt lẫn nhau… Ngoài ra, câu này học sinh có thể hiểu thêm nghĩa khác: Kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu; Chê những người có quyền thế ức hiếp kẻ lép vế. Người khôn lừa gạt người dại, than phiền cho nhân tình thế thái. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý: Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp giúp cho loài phát triển ổn định. Cạnh tranh giữa các cá thể dẫn tới sự thắng thế của các cá thể khỏe và đào thải các cá thể yếu, nên thúc đẩy quá trình chọn lọc tự nhiên. Hoặc khi dạy bài 37: Đặc trưng của quần thể sinh vật. Mục IV. Mật độ cá thể của quần thể, giáo viên lồng ghép nội dung bài dạy bằng việc sử dụng các câu sau: “Cấy thưa hơn bừa kĩ” “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn” Kết quả thảo luận của học sinh cần được giáo viên định hướng tới nội dung: Trong trồng trọt, nếu gieo trồng đúng mật độ thì năng suất sẽ cao hơn vì như vậy cây trồng sẽ có đủ ánh sáng, chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển từ đó cho năng suất cao, ngược lại sẽ cho năng suất thấp. Mật độ quần thể mang tính đặc trưng cho từng quần thể của loài, nó ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nguồn sống trong môi trường, tới khả năng sinh sản và tử vong của quần thể. Với bài 38: Đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật. Mục VII. Tăng trưởng của quần thể người, giáo viên có thể sử dụng câu thành ngữ: “ Trời sinh voi sinh cỏ” 10 để đặt câu hỏi: Theo em quan niệm trên ở câu thành ngữ có hợp lí không? Tại sao? Với kiến thức đã học cũng như hiểu biết thực tế học sinh có thể phát biểu được: Quan niệm trên có thể đúng cách đây vài chục năm. Ngày nay, mọi chuyện đã thay đổi, không chỉ vì chuyện giá sinh hoạt đắt đỏ mà còn vì chuyện môi trường, là sự gia tăng dân số quá nhanh. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế xã hội và hạnh phúc gia đình. Vì vậy trong việc sinh đẻ số con sinh ra phải phù hợp với khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình và đảm bảo sự hợp lý với sự phát triển kinh tế xã hội và điều kiện về tài nguyên, môi trường... Dân số tăng nhanh và phân bố dân cư không hợp lý là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người. V. Kết quả đạt được Từ khi thực hiện việc lồng ghép một số câu tục ngữ, thành ngữ vào trong nội dung bài dạy có liên quan như vừa trình bày ở trên, Tôi nhận thấy: trong các bài dạy nếu có sử dụng tục ngữ, thành ngữ thì bài dạy trở nên sinh động hơn rất nhiều, tạo nên hứng thú cho học sinh trong giờ học. Những kinh nghiệm, những quan điểm mà cha ông ta đã đúc kết qua tục ngữ, thành ngữ đã kích thích sự tò mò, ham hiểu biết, tạo cho học sinh động lực để giải quyết các vấn đề đặt ra. Việc sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ còn giúp cho học sinh có được kĩ năng liên hệ với thực tế cuộc sống xung quanh mình... Ngoài ra, đây còn là giúp học sinh có được cái nhìn sâu sắc hơn về thực tế cuộc sống; kết quả dạy học có nhiều sự chuyển biến tích cực rõ rệt ở các lớp 12 tôi trực tiếp giảng dạy qua các năm, cụ thể: Năm học Khối lớp %Giỏi %Khá %Trung bình %Yếu, kém 2010-2011 Khối 12 4.0 27.9 59.4 8.7 2011-2012 Khối 12 4.5 30.9 58.9 5.7 2012-2013 Khối 12 6.5 37.5 53.5 2.5 C. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT I. Bài học kinh nghiệm Trên đây là một vài vấn đề được xem là kinh nghiệm mà bản thân tôi đã từng áp dụng tại trường THPT Lê Lai. Qua kiểm nghiệm, tôi thấy nó khá hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở bộ môn. Với bản thân qua quá trình áp dụng tôi rút ra một số bài học nhỏ sau: 11 Việc đưa tục ngữ, thành ngữ vào bộ môn sinh học ngoài việc gây hứng thú cho học sinh thì xét về mặt xã hội đây còn là biện pháp góp phần gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa mà ông cha ta để lại. Khi sử dụng tục ngữ, thành ngữ vào bài dạy giáo viên cần chú ý một số điểm: + Việc lựa chọn các câu tục ngữ, thành ngữ phải phù hợp với nội dung từng bài học. Tránh lạm dụng để có thể dẫn tới sự lan man, không chủ đích. + Về cách sử dụng, giáo viên có thể lồng ghép vào nội dung của bài học hoặc có thể sử dụng trong phần củng cố bài học. Nếu thời gian không đảm bảo chúng ta có thể đưa vào phần hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà. + Việc khai thác tục ngữ, thành ngữ nếu chỉ muốn liên hệ về mặt sinh học thì chỉ cần khai thác nghĩa đen, tuy nhiên để đảm bảo tính giáo dục trong dạy học chúng ta nên kết hợp với việc giải thích cả nghĩa bóng. Xã hội ngày càng phát triển, văn hóa bên ngoài du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều văn học truyền miệng phần nào mai một đi trong thế hệ trẻ. Do đó đây cũng chính là việc chúng ta góp công, góp sức trong việc bảo tồn nền văn hóa dân tộc. II. Kiến nghị Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật áp dụng vào đời sống sản xuất, cùng với sự phát triển của xã hội thì một số câu tục ngữ, thành ngữ không còn chính xác nữa. Do đó khi giảng dạy cần phải đặt trong từng trường hợp mà lí giải và chỉ ra cho học sinh chỗ đúng và chỗ không phù hợp thì học sinh vừa hiểu kiến thức và vừa mở rộng được vấn đề thực tế. Những cách sử dụng tục ngữ, thành ngữ trong bài dạy và đề nghị chỉ mang tính chất chủ quan không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong đồng nghiệp góp ý để bài viết hoàn chỉnh. Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm bước đầu mà tôi đã đúc rút, thực hiện trong quá trình giảng dạy bộ môn, nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn sinh học, còn mang màu sắc chủ quan, chưa hoàn thiện, còn hạn chế về trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến quí báu của các thầy giáo, cô giáo và các bạn đồng nghiệp để ngày càng hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn! XÁC NHẬN Thanh Hóa, ngày 25 tháng 05 năm 2013 CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác. (Ký và ghi rõ họ tên) 12 13 MỤC LỤC A. ĐẶT VẤN ĐỀ-------------------------------------------------------------------------------------------------------1 I. Lí do chọn đề tài---------------------------------------------------------------------------------------------------1 II. Phạm vi đề tài------------------------------------------------------------------------------------------------------1 III. Mục tiêu đề tài---------------------------------------------------------------------------------------------------1 B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ---------------------------------------------------------------------------------------2 I. Cơ sở lí luận----------------------------------------------------------------------------------------------------------2 II. Khái quát về tục ngữ, thành ngữ-----------------------------------------------------------------------3 III. Thực trạng của vấn đề---------------------------------------------------------------------------------------4 IV. Giải pháp và tổ chức thực hiện------------------------------------------------------------------------4 1. Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện đề tài----------------------------------------4 1.1. Thuận lợi:------------------------------------------------------------------------------------------------------4 1.2. Khó khăn:------------------------------------------------------------------------------------------------------4 2. Tổ chức thực hiện--------------------------------------------------------------------------------------------5 2.1. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để kiểm tra bài cũ-----------------------------------------5 2.2. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để mở bài-------------------------------------------------------6 2.3. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ để giải thích hay kết luận nội dung kiến thức------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------8 V. Kết quả đạt được-----------------------------------------------------------------------------------------------11 C. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT------------------------------------------------------------------------------11 I. Bài học kinh nghiệm------------------------------------------------------------------------------------------11 II. Kiến nghị---------------------------------------------------------------------------12 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất