Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Tiểu học Skkn một số giải pháp nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 ở trường p...

Tài liệu Skkn một số giải pháp nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 ở trường ptdtbt tiểu học tx

.DOC
10
248
114

Mô tả:

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP 2 Ở TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC TX A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn sáng kiến: Như chúng ta đã biết mục tiêu của giáo dục tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” Để học sinh học tốt môn Tiếng Việt nói chung trong đó chữ viết có vai trò quan trọng bởi chữ viết thể hiện được nhân cách của mỗi con người, góp phần nâng cao chất lượng học của học sinh. Chữ viết không những có quan hệ mật thiết với chất lượng học tập ở các môn học khác mà còn góp phần rèn luyện một trong những kĩ năng hàng đầu của việc học môn Tiếng Việt trong trường tiểu học, đó là kỹ năng viết chữ. Nếu học sinh viết đúng, đẹp, rõ ràng, đảm bảo tốc độ quy định thì học sinh có điều kiện để ghi bài học tốt, nhờ vậy mà kết quả học tập tốt hơn, ngược lại viết xấu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của các em. Trong nhà trường việc dạy cho học sinh viết đúng, viết đẹp ngoài việc trực tiếp nâng cao chất lượng chữ viết nó còn góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, thích cái đẹp, ham mê học tập. Chính vì chữ viết quan trọng như vậy, nên việc rèn chữ cho học sinh ở trường tiểu học nói chung, lớp 2 nói riêng đặc biệt là đối với đối tượng học sinh dân tộc Vân Kiều lại là điều đáng quan tâm đối với một người giáo viên. Từ thực tế giảng dạy và quá trình tìm hiểu về chữ viết của học sinh trường PTDTBT Tiểu học TX , đặc biệt là học sinh lớp 2 do tôi chủ nhiệm. Tôi nhận thấy, chất lượng chữ viết của học sinh còn chưa cao, do đó tôi đã chọn sáng kiến: “Một số giải pháp nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX”. Với hi vọng học sinh tự tin trong học tập, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đồng thời giáo dục và hình thành nhân cách, đạo đức con người mới thông qua việc nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh. 2. Điểm mới của giải pháp: Giải pháp được thực hiện và áp dụng từ năm học 2017 - 2018 khi tôi được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX. Điểm mới của giải pháp là: Tăng cường rèn chữ viết cho học sinh lớp 2 nói chung và học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX nói riêng thông qua các hoạt động dạy học trên lớp; rèn chữ viết cho học sinh trong một lớp mà có hai đối tượng học sinh Kinh và học sinh dân tộc Vân Kiều. 3. Phạm vi áp dụng: - Giúp cho học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX viết đúng, viết đẹp. - Giải pháp nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh thông qua việc: Dạy có chất lượng phân môn Tập viết, Chính tả và các môn học khác; Tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ; Tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh học sinh và giáo viên dạy bộ môn; Tích cực tham mưu với Ban giám hiệu nhằm đảm bảo các điều kiện cho dạy học. - Nhân rộng đến các trường thuộc vùng khó có đặc thù và có học sinh như trường PTDTBT Tiểu học TX mà bản thân tôi đang công tác. B. PHẦN NỘI DUNG I. THỰC TRẠNG CHỮ VIẾT HỌC SINH LỚP 2 TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ TIỂU HỌC TX: 1. Hạn chế: - Khả năng viết chữ của các em còn chậm, chữ viết chưa đúng, chưa đẹp. - Học sinh viết sai độ cao của chữ kể cả chữ thường, chữ hoa và mẫu chữ. - Chữ viết xiên thẳng, cong xiên lẫn lộn. Chữ viết còn rời rạc chưa liền mạch, không đúng quy trình viết. - Khả năng viết chữ liên kết nét chưa đúng cho nên chữ viết bị dính nét hoặc rời rạc không có sự liên kết với nhau, viết tùy tiện… Dấu câu không đúng quy định, - Hiện tượng viết thêm, bớt dấu thanh, sai phụ âm, vần là lỗi khá phổ biến đối với các em học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX. - Chất lượng chữ viết còn quá thấp, thể hiện qua kết quả khảo sát chữ viết đầu năm như sau: Kết quả Tổng số Loại A Loại B Loại C Thời gian khảo sát học sinh SL % SL % SL % Đầu năm học 2017 - 2018 16 1 6,3 4 25,0 11 68,7 2. Nguyên nhân cụ thể: * Nguyên nhân từ phía giáo viên: Chữ viết của một số giáo viên chưa đẹp lại không có ý thức rèn luyện viết chữ dẫn đến không có sự mẫu mực trong chữ viết ở bảng lớp cũng như khi nhận xét bài trong vở cho học sinh. Vẫn còn có giáo viên viết ở bảng lớp còn cẩu thả không đúng mẫu, sai chính tả, tuỳ tiện trong cách trình bày. Ý thức của giáo viên về phong trào rèn chữ đẹp còn hạn chế. Gương điển hình về rèn chữ viết của giáo viên trong các nhà trường chưa được nhân rộng, học tập. - Giáo viên chưa nhận thức sâu sắc về hiệu quả trong việc sử dụng các phương pháp dạy học các môn, phân môn công cụ Tập viết, Chính tả để rèn chữ viết cho học sinh. Đồ dùng trực quan ít quan tâm khi dạy phân môn Tập viết và Chính tả do đó chưa tạo cho học sinh cơ hội tiếp thu kiến thức viết đúng, viết đẹp mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc các em làm đúng các bài tập. - Cách rèn luyện chữ viết cho học sinh chưa phù hợp, thiếu tích cực để học sinh dễ dàng tiếp thu tri thức và thói quen viết không cẩn thận, cẩu thả khi viết. - Giáo viên giảng dạy các bộ môn khác chưa chú trọng đúng mức đến việc quan tâm rèn chữ viết cho học sinh. * Nguyên nhân từ phía học sinh: Muốn học sinh viết đẹp thì trước hết phải viết đúng qua các tiết tập viết ở lớp. Bởi vì, qua đó học sinh nắm được các khái niệm về đường kẻ, dòng kẻ, toạ độ, tốc độ, tên gọi các nét, cấu tạo chữ cái, vị trí dấu thanh, và liên kết các chữ cái khi viết. Từ đó, mới hình thành ở các em những biểu tượng về hình dáng độ cao và sự cân đối, tính thẩm mĩ của chữ viết. Ngoài ra, học sinh còn rèn thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, xác định được khoảng cách để hình thành kĩ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và cao hơn là viết nhanh và viết đẹp . Chữ viết mang tính thực hành cao, ngoài việc học sinh nắm được các kiến thức cơ bản của việc viết chữ và kỹ thuật viết thì rèn viết chữ đẹp là một yêu cầu cũng hết sức quan trọng và cần thiết, vì vậy chúng ta cần chú ý rèn cho học sinh tính cẩn thận, sự sáng tạo khi viết. Tuy nhiên, qua nhiều năm dạy học, tôi thấy một số hạn chế về phong trào này như sau: Về phía học sinh: - Các em không được rèn luyện nhiều về cách trình bày vì nhiều môn học đã có Vở bài tập in sẵn các bài tập. Học sinh ngại viết, không có hứng thú và lòng say mê khi viết chữ mà chủ yếu là chỉ dừng lại ở mức độ viết đúng. Ở cấp tiểu học, ngay từ những lớp đầu cấp như lớp 1 thì kỹ năng viết chữ đúng mẫu là rất quan trọng nhưng học sinh lại không nắm được cấu tạo các con chữ và kỹ năng viết đúng dẫn đến sai ngay từ những giờ tập viết đầu tiên của cấp học. Bên cạnh đó, phụ huynh không quan tâm đến sách vở cũng như các loại bút viết đúng tiêu chuẩn cho học sinh, nhiều em không đủ vở để viết. - Học sinh ngại viết, không có hứng thú và lòng say mê khi viết chữ mà chủ yếu là chỉ dừng lại ở mức độ viết cho xong. - Học sinh vùng sâu vùng xa hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên thiếu đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc rèn luyện chữ viết. - Các loại bút viết, vở ô ly, không đúng tiêu chuẩn cho nên ảnh hưởng đến tốc độ viết và chất lượng chữ viết của học sinh, đặc biệt là thể hiện nét thanh đậm khi viết và phong trào “ Vở sạch, chữ đẹp” ít quan tâm. - Tay cầm bút chưa đúng quy định. Học sinh chưa nắm vững chắc điểm đặt bút, dừng bút, các kỹ thuật rê bút, lia bút nên viết chậm và không đúng mẫu. - Các em chưa hiểu rõ mục đích và tầm quan trọng của việc giữ vở sạch viết chữ đẹp. Đa số các em ngại viết, không có hứng thú và lòng say mê khi viết chữ mà chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ viết đúng. Một số em khác không nắm được cấu tạo các con chữ và kỹ năng viết đúng dẫn đến sai khi viết chữ. - Trình độ học sinh không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong việc kèm cặp, giúp đỡ các em học tập, đặc biệt là trong môn Tập viết, Chính tả của giáo viên. - Do phát âm không chuẩn tiếng Việt nên các em dễ viết sai dấu thanh, sai chính tả (Đối với học sinh dân tộc Vân Kiều). - Ý thức học tập thiếu nghiêm túc, thói quen giữ vở sạch, viết chữ đẹp còn hạn chế, khi viết sai các em có thói quen xóa nhiều lần. * Nguyên nhân từ phía phụ huynh: - Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phụ huynh chỉ lo việc kiếm sống là chính. Họ ít quan tâm đến việc học của con em mình. Nhận thức của nhiều phụ huynh đến việc học hành cũng như chuẩn bị các điều kiện cho con em còn ít được quan tâm. - Phụ huynh còn thiếu hiểu biết trong việc mua sắm, chuẩn bị các điều kiện phục vụ học tập cho con em nên đã mua vở không đúng dùng cho tiểu học nên các em viết hay bị nhòe, bị ố và bút bi nên học sinh viết chưa đẹp, thiếu nét thanh đậm. * Điều kiện cơ sở vật chất: - Dụng cụ, đồ dùng học tập của học sinh chưa đảm bảo yêu cầu cho rèn chữ viết. - Cơ sở vật chất, đặc biệt hệ thống điện chiếu sáng thiếu ổn định, một số thiết bị dạy học còn thiếu và đã sử dụng qua nhiều năm. II. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP 2 Ở TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC TX: Thực hiện phương châm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh: Tập trung rèn kỹ năng viết đúng và đảm bảo tốc độ rồi mới đến yêu cầu viết đẹp. Đồng thời phải có thời gian, tính kiên trì của giáo viên trong quá trình thực hiện. Từ phương châm đó tôi đã vận dụng một số giải pháp cơ bản vào việc nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX. Giải pháp 1: Nâng cao chất lượng chữ viết thông qua việc rèn viết đúng, viết đẹp cho học sinh qua việc dạy tốt tiết tập viết: Giáo viên cần dạy học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm các kỹ năng viết nét, liên kết nét tạo các chữ cái và liên kết chữ cái tạo thành chữ ghi tiếng. Đồng thời giúp các em xác định khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để hình thành kỹ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và cao hơn là viết nhanh và đẹp. * Ngoài ra khi viết cần thực hiện các nguyên tắc khi ngồi viết, đó là: - Trạng thái tinh thần phải phấn chấn, hứng thú, không viết khi mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, phân tán vì chuyện khác, tránh tư tưởng viết qua quýt cho xong để đi chơi. - Ánh sáng trong phòng học phải đảm bảo, thuận chiều từ bên trái sang không bị sấp bóng. - Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó và tuyệt đối không quỳ, nằm, ngồi viết tuỳ tiện, không để vở quá gần, khoảng cách từ mắt đến vở khoảng 25-30 cm là vừa. - Ngồi viết đúng tư thế, không ngồi vặn vẹo lâu thành thói quen, có tật dẫn đến lệch cột sống .Cần hướng dẫn học sinh cách cầm bút đúng quy định. * Trước khi viết nên chuẩn bị tốt cho học sinh: - Nếu viết bút mực thì nên chọn bút bi nước vừa dễ viết lại không bị giây mực cả sách vở áo quần mà chữ viết lại đẹp hoặc chọn cho các em loại bút viết được nét thanh nét đậm thì càng tốt. * Sau khi viết giáo viên cần: - Nhận xét thật tỉ mỉ các nét chữ trong con chữ mà học sinh vừa viết và phân tích rõ nguyên nhân học sinh viết chưa đúng, chưa đẹp để có hướng kèm cặp và hướng dẫn thêm. - Đối với những em chưa nắm chắc cấu tạo con chữ hay kỹ thuật viết như: Lia bút, rê bút hay viết liền mạch thì giáo viên phải cung cấp biểu tượng về con chữ đó để học sinh nắm chắc hơn và hướng dẫn thêm về kỹ thuật viết cho các em. - Đề cao sự mẫu mực về chữ viết của giáo viên Chúng ta thường nói rằng “Thầy nào - trò nấy”. Quả thật, chữ viết của giáo viên là vấn đề có tính chất quyết định, bởi vì giáo viên luôn là tấm gương đối với học sinh về tất cả các mặt, nhất là học sinh tiểu học và đặc biệt là các lớp đầu cấp thì thầy cô giáo luôn là một hình ảnh rất tài giỏi, đẹp đẽ và mẫu mực. Khi vào các lớp đầu cấp học sinh bắt đầu cầm bút viết những nét chữ đầu tiên thì chữ viết của giáo viên ở bảng lớp, ở con chữ cô viết mẫu là rất quan trọng. Các em sẽ nhìn, quan sát và bắt chước những nét chữ từ đơn giản đến phức tạp của cô giáo.Thực tế thấy rằng nếu giáo viên viết chữ đẹp và có ý thức rèn chữ viết thì chất lượng chữ viết của lớp đó sẽ cao và qua quan sát ta thấy rằng nét chữ của các lớp khác nhau nhưng trong một lớp thì lại tương đối giống nhau và rất giống chữ của giáo viên. Bên cạnh đó, muốn cho học sinh viết đẹp, giữ gìn sách vở sạch sẽ thì giáo viên phải rất công phu rèn luyện theo phương pháp khoa học, lâu dài, kiên trì và chịu khó… - Để viết đẹp thì trước tiên phải viết đúng mẫu chữ, kích cỡ, độ cao, tốc độ viết đảm bảo. Vì thế trong giờ tập viết, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những khái niệm cơ bản về đường kẻ, tọa độ viết chữ, tên gọi các nét chữ, cấu tạo chữ cái, vị trí dấu thanh, dấu phụ, các khái niệm liên kết nét chữ hoặc liên kết chữ cái… Từ đó, hình thành ở các em những biểu tượng về hình dáng, độ cao, sự cân đối, tính thẩm mĩ của chữ viết. Bên cạnh đó, giáo viên cần dạy học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm các kỹ năng viết nét, liên kết nét tạo các chữ cái và liên kết chữ cái tạo thành chữ ghi tiếng. Đồng thời giúp các em xác định khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để hình thành kỹ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và cao hơn là viết đẹp và viết nhanh. - Hướng dẫn về kỹ thuật viết như: Lia bút, rê bút hay viết liền mạch cho các em. - Để dạy tốt tiết Tập viết giáo viên cần phải: + Giáo viên phải nắm vững cấu trúc chương trình, nội dung Tập viết lớp 2 để có kế hoạch dạy học đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp với đối tượng học sinh. Về chương trình: Mỗi tuần có một bài tập viết học trong một tiết. Nội dung: Học sinh được học viết các chữ cái viết hoa, tiếp tục luyện cách viết các chữ cái viết thường và tập nối nét từ chữ hoa sang chữ thường. Hình thức rèn luyện: Trong mỗi tiết tập viết, học sinh được hướng dẫn và tập viết từng chữ cái viết hoa sau đó tập viết cụm từ hoặc câu ứng dụng có chữ hoa ấy. + Chuẩn bị đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy như: Bảng phụ có kẻ sẵn dòng kẻ để viết chữ cái, từ ứng dụng và câu ứng dụng. + Thiết kế nội dung bài học: Thể hiện rõ hình thức tổ chức, phương pháp vận dụng, hệ thống các câu hỏi, dự kiến các phương án có thể xảy ra trong dạy học để có phương án, kế hoạch xử lý khi có tình huống xảy ra trong tiết học và hoạt động của Thầy, Trò ứng với mỗi hoạt động là mục tiêu cần đạt + Xác định đúng nội dung dạy chữ thường, chữ hoa trong tiết tập viết: Đối với viết chữ thường: Trong quá trình hình thành biểu tượng về chữ viết và hướng dẫn học sinh viết chữ, nên sử dụng tên gọi các nét cơ bản để mô tả hình dạng, cấu tạo và quy trình viết một chữ cái theo các nét viết đã quy định ở bảng mẫu chữ. Quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng trực quan bằng chữ cái phóng to, phần mềm viết chữ để giúp học sinh dễ dàng hình dung và thực hiện quy trình viết chữ trên bảng con hay trong vở tập viết, nên mô tả theo dòng kẻ li. Khi hướng dẫn cho học sinh cần diễn đạt thật ngắn gọn, súc tích, rõ ràng và thật dễ hiểu. Đối với viết chữ hoa; Đây là nội dung trọng tâm và cơ bản của phân môn Tập viết ở lớp 2. Do đó khi dạy phần này cần cho học sinh hiểu và nắm được các nội dung sau: Nét cơ bản trong bảng chữ cái viết hoa có 4 loại: nét thẳng; nét cong; nét móc; nét khuyết. Mỗi loại có thể chia ra các dạng, các kiểu khác nhau. Tên gọi các dạng, kiểu chỉ dùng khi giáo viên mô tả cấu tạo hình dạng chữ viết hoa cho cụ thể, rõ ràng không bắt học sinh phải thuộc. + Tổ chức học sinh thực hành viết vào vở: Trước lúc viết vào vở, giáo viên cho học sinh viết trên không: Việc luyện viết trên không là bước giúp học sinh rèn luyện đôi tay, nắm vững quy trình viết qua đó học sinh không bỡ ngỡ khi viết. Giáo viên cũng có thể cho học sinh tì đầu ngón tay trên mặt bàn để hình thành dần kỹ năng viết các nét cho đều đặn. Bước này có thể làm từ 2-3 lần. Luyện viết trên bảng con, bảng lớp: Giáo viên cho vài em luyện viết trên bảng lớp, cả lớp viết bảng con chữ cái và cụm từ mà giáo viên yêu cầu hoặc giáo viên có thể chọn cho học sinh viết những chữ khó viết mà học sinh thường viết sai không đúng mẫu hoặc không đúng chính tả; Khi nhận xét chữ viết của học sinh, giáo viên cần cho học sinh quan sát lại chữ mẫu; giáo viên gợi ý để học sinh tự nhận xét chữ viết của mình và của bạn, biết tự chữa lại những chỗ viết sai; Việc chữa lỗi sai cho học sinh cần theo cách: giáo viên viết lại chữ đúng ngay bên cạnh chữ viết của học sinh, tránh viết đè lên chữ viết sai của học sinh hoặc cho em viết đúng, viết đẹp viết lại trên bảng lớp để học sinh viết sai quan sát và tự sửa chữa. Luyện viết vào vở: Giáo viên cần nêu câu lệnh rõ ràng về số lượng, nội dung cần viết theo từng thời điểm, không nên nêu một câu lệnh chung, vì như thế học sinh không tiếp thu đầy đủ dẫn đến viết không đúng, không đủ theo yêu cầu của giáo viên. Trước khi cho học sinh viết giáo viên nên nhắc lại một số yêu cầu về: tư thế ngôi viết, cách cầm bút…; Học sinh thực hành viết vào vở. Giáo viên theo dõi, uốn nắn cho một số em có chữ viết chưa đẹp. Thậm chí còn phải bắt tay ở vài chữ đầu đến một hai lần. Đối với việc chấm chữa bài học sinh: Giáo viên nhận xét đánh giá thường xuyên trong từng tiết học cho các em sửa lại đúng về các nét, con chữ, nét nối các con chữ và độ cao cách ghi dấu thanh…cho những học sinh có chữ viết chưa đẹp. Kịp thời khen những học sinh viết chữ đẹp từ đó nhân điển hình trong lớp. Số bài viết của các em còn lại, giáo viên nhận xét, sửa chữa cho học sinh ở tiết sau. Kết hợp nhận xét với việc sửa lỗi, trực tiếp chỉ chỗ sai cho học sinh để học sinh kịp thời sửa chữa. Đồng thời động viên, biểu dương kịp thời những học sinh viết đúng, đẹp, học sinh viết chữ có tiến bộ. Cuối tiết học: Giáo viên yêu cầu học sinh viết lại những chữ cái đã viết trên bảng lớp; Cho học sinh thi viết chữ đẹp giữa các nhóm; Cả lớp xem bài viết đẹp. Kịp thời động viên, khích lệ những học sinh có chữ viết tiến bộ. Tuyên dương những học sinh có chữ viết đẹp. - Trong quá trình rèn chữ viết cho học sinh thông qua dạy tốt tiết tập viết, tuyệt đối không được bỏ qua khâu thực hành nào của quy trình dạy học. Đảm bảo đúng quy trình dạy phân môn tập viết. Giải pháp 2: Nâng cao chất lượng chữ viết thông qua việc rèn viết đúng, viết đẹp cho học sinh qua việc dạy tốt giờ chính tả: - Tập trung để rèn chữ viết cho học sinh trong giờ chính tả “ Nghe viết ”, là: cách trình bày trên vở chính tả, viết đúng chữ, dấu thanh, dấu câu, giữ vở sạch… - Trong các tiết dạy trên lớp, không chỉ dừng lại thực hiện đúng tiến trình giờ dạy, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu của tiết chính tả, mà tôi luôn còn quan tâm tới việc sửa từng nét chữ, cách cầm bút, các thao tác kỹ thuật viết chữ khi học sinh luyện viết trên giấy nháp cũng như luyện ở vở viết. Ví dụ: + Trường hợp học sinh viết sai nét khuyết, thường các em viết quá nhỏ hoặc quá to độ cao không chính xác thậm chí viết không thẳng nét. Tôi đặc biệt chú ý trực tiếp sửa ngay cho các em trong lúc viết. + Đối với trường hợp học sinh viết sai quy trình như: viết đến chữ cái nào đánh dấu thanh ngay vào chữ cái đó chữ không viết liền mạch rồi mới quay lại đánh dấu thanh, dẫn đến các con chữ trong một tiếng rời rạc, mất thời gian nhấc bút nhiều lần. Các tiếng có phụ âm đầu dễ lẫn như: s, x, d,… học sinh hay viết sai. Dạy viết bài nào tôi cố gắng chọn ra những chữ tiêu biểu có phụ âm đầu để học sinh viết giấy nháp và lưu ý trước khi viết phải nghe cô giáo phát âm thế nào rồi mới viết cho chính xác. Đồng thời tôi luôn cố gắng phát âm thật đúng, rõ, đủ to để học sinh có thói quen nghe cô giáo phát âm để viết chữ đúng. + Trong phần bài tập của giờ chính tả đã giúp các em rất nhiều trong việc viết đúng và phân biệt lỗi chính tả đúng sai. Vì vậy khi làm bài tập chính tả tôi thường tổ chức trò chơi cho học sinh để các em nắm chắc bài, nhớ lâu và vận dụng tốt hơn. Ví dụ: Thi tìm nhanh các tiếng bắt đầu s hay x và viết đúng, đẹp các tiếng đó, tôi tổ chức cho các em thi tiếp sức đội nào tìm được nhiều từ và viết đúng thì đội đó thắng cuộc. - Khi dạy chính tả nghe viết: Trong lúc đọc cho học sinh viết vào vở tôi vừa đọc vừa đi đến chỗ các em nhất là các em hay viết sai, viết chưa đẹp để uốn nắn, động viên để các em viết đúng tiến tới các em viết đẹp. - Đây là điều kiện để giáo viên rèn cho học sinh viết đúng, viết đẹp chữ viết, đồng thời sửa chữa, uốn nắn một số lỗi, kỹ thuật trong khi viết của học sinh như: Tư thế ngồi viết, cách cầm bút, cách đặt vở, khoảng cách từ mắt đến vở…Vì vậy, giáo viên cần khai thác triệt để có hiệu quả loại bài chính tả này trong phân môn chính tả để rèn luyện chữ viết cho học sinh. - Thường xuyên quan tâm đến công tác chấm chữa và thực hiện đánh giá đúng mục đích, tác dụng của nó đối với học sinh. Động viên, khích lệ học sinh kịp thời, tránh làm cho các em bị nhụt trí. Giải pháp 3: Nâng cao chất lượng chữ viết thông qua việc rèn chữ viết cho học sinh qua việc dạy tốt các môn học khác ngoài phân môn Chính tả và Tập viết. - Việc giáo dục nói chung, việc dạy chữ nói riêng đối với học sinh không chỉ ở bậc tiểu học mà ở các cấp học khác thì không dừng lại ở môn học nào mà cần được thực hiện trong tất cả các môn học đối với học sinh. Làm được như vậy sẽ tạo được tính hệ thống, liên tục và đặc biệt là tính thống nhất trong rèn chữ góp phần nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh. - Các hình thức sử dụng rèn chữ viết cho học sinh ở các môn học khác: + Thực hiện viết tên bài học, nội dung các bài học, làm bài tập ở môn học khác để học sinh có cơ hội được luyện viết. + Thường xuyên nhắc nhở các em cầm đúng bút, tư thế ngồi, cách để vở sao cho thích hợp, không quăn góc. Bằng cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm và chân thành của mình, tôi đã giúp mỗi học sinh luôn tự nhủ: mình phải viết đúng, đẹp ở tất cả các môn học. + Khi đánh giá những môn học này tôi thường dành thời gian cho nhận xét chữ viết bài viết sạch đẹp, trình bày rõ ràng. + Khi trả bài nhận xét, đánh giá tôi không quên nhận xét chữ viết cho các em. + Rèn cho học sinh đọc đúng để viết đúng: Thông qua việc tổ chức đọc tên bài học, nội dung các bài học của các môn, đặc biệt là với phân môn Tập đọc. Vì đọc sai sẽ viết sai. Ví dụ: Khi dạy phân môn Tập đọc tôi chú trọng rèn cho học sinh đọc đúng để viết đúng. Do học sinh phát âm tiếng địa phương nên thường sai dấu ngã- dấu hỏi, vần anh – ân, thường đọc sai dấu thanh nên khi viết các em cũng sẽ sai dấu và vần. “ cây xanh ” đọc là “ cây xân” nên cũng viết là “cây xân”; đối với học sinh Vân Kiều thường đọc thêm bớt dấu thanh nên khi viết các em cũng sẽ sai dấu VD các em học sinh dân tộc Vân Kiều: Trong bài tập đọc Bàn tay dịu dàng: Có câu . “ Bà của An mới mất ” các em đọc là “ Ba của An mới mất” nên cũng viết là “ Ba của An mới mất”. Do đó cần tổ chức cho các em phát âm hoặc tự đánh vần trước khi viết. + Nâng cao chất lượng dạy học buổi thứ hai: Việc rèn chữ viết cho học sinh ở buổi thứ hai trong tất cả các môn học không phân biệt môn học nào, nhưng trong đó cần quan tâm đặc biệt đối với phân môn Tập viết và Chính tả. Ví dụ: Khi có tiết tập viết buổi sáng, có những em còn yếu khi viết chữ, hoặc nét nào chưa đúng mẫu, tôi ghi lại vào sổ theo dõi để buổi chiều luyện tiếp. Để việc dạy dỗ rèn luyện cho học sinh lớp mình có hiệu quả, đồng bộ tôi cùng giáo viên bộ môn thường xuyên trao đổi với nhau trực tiếp hoặc qua sổ theo dõi của lớp để có những thông tin 2 chiều về tình hình học tập cũng như chữ viết của học sinh. Tôi cùng giáo viên trong tổ đưa ra những giải pháp kế hoạch tốt nhất cho học sinh học tập có hiệu quả. Giải pháp 4: Rèn chữ thông qua các hoạt động giáo dục: - Giáo viên thường tổ chức các sân chơi bổ ích trong các hoạt động giáo dục như: Tổ chức hội thi viết chữ đẹp trong lớp, giao lưu viết chữ với các lớp trong khối, đặc biệt với học sinh dân tộc Vân Kiều. - Treo hệ thống bảng chữ mẫu, trưng bày sản phẩm các bài viết đẹp của học sinh trong lớp học. - Tổ chức rèn chữ cho học sinh vào 15 phút đầu giờ theo kế hoạch Đội và kế hoạch lớp một cách thiết thực và hiệu quả. - Tham gia tích cực Hội thi và ngày Hội viết chữ đẹp do các cấp tổ chức. - Phát động phong trào thi đua “Viết chữ đẹp” và phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” trong học sinh và đến tận mỗi phụ huynh học sinh. Giải pháp 5: Thông qua giáo viên bộ môn: - Thường giáo viên chủ nhiệm lớp được nhà trường bố trí dạy học các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức nên việc rèn chữ viết cho học sinh chủ yếu thông qua các môn học đó. Vì vậy, việc rèn chữ viết thông qua giáo viên bộ môn có vai trò không kém phần quan trọng. - Để thực hiện được việc đó tôi đã làm tốt các việc sau: + Thông tin cho giáo viên dạy bộ môn biết về kế hoạch rèn chữ viết của giáo viên chủ nhiệm lớp, đối tượng học sinh viết chưa đúng, chưa đẹp để giúp đỡ, hỗ trợ, đối tượng học sinh viết đẹp để làm nòng cốt, nhân rộng đến học sinh của lớp. Việc thông tin này được thông qua hệ thống danh sách đánh giá kết quả chữ viết của từng học sinh. + Tư vấn cho giáo viên bộ môn về các giải pháp rèn chữ viết, tăng cường các giải pháp rèn chữ viết cho học sinh trong quá trình dạy học. + Tham mưu với Ban giám hiệu về việc đánh giá chất lượng chữ viết của học sinh lớp tôi cũng như các lớp khác về trách nhiệm của giáo viên bộ môn, để tạo thêm tinh thần trách nhiệm của họ trong vấn đề này. Giải pháp 6: Giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm của phụ huynh trong việc chuẩn bị các điều kiện cũng như việc giúp đỡ học sinh viết chữ đúng, đẹp của phụ huynh. - Tổ chức họp phụ huynh đầu năm học để tổ chức tuyên truyền về vai trò của chữ viết, vị trí, tầm quan trọng của việc rèn chữ viết đối với việc hình thành nhân cách, tính kiên trì, tính kỉ luật, chịu khó của các em trong quá trình học tập; Nguyên nhân học sinh viết chữ xấu và tác hại của việc viết chữ xấu. Chữ viết đẹp sẽ tạo hứng thú cho học sinh trong việc học các môn học. - Phổ biến và yêu cầu mua sắm đủ các loại học cụ cho học sinh và tư vấn về chủng loại, chất lượng các đồ dùng học tập phục vụ cho con em về vở tập viết, vở ô ly, vở luyện viết, bút chì, bút mực, thước kẻ… và thống nhất loại vở 4 ô ly, bút mực màu đen. - Thường xuyên thông tin kết quả viết chữ của học sinh cho phụ huynh học sinh thông qua sổ liên lạc, điện thoại, qua các phiên họp phụ huynh theo kế hoạch của trường, của lớp. Giải pháp 7: Tích cực tham mưu với Ban giám hiệu về các nội dung, vấn đề có liên quan đến việc thực hiện nâng cao chất lượng chữ viết của học sinh. - Đảm bảo cơ sở vật chất theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bàn ghế, bảng lớp, điện sáng và các thiết bị dạy học, Đặc biệt là đối với phân môn Tập viết, Chính tả, hai môn học đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng chữ viết của học sinh. - Việc thực hiện đánh giá phong trào viết chữ đẹp và chất lượng chữ viết của học sinh được gắn với tất cả giáo viên tham gia giảng dạy lớp đó chứ không dừng lại ở giáo viên chủ nhiệm lớp. Tóm lại, kết quả việc rèn chữ viết cho học sinh không phải ngày một, ngày hai có được mà là một quá trình dày công khổ luyện của thầy và trò, sự chăm bẳm tận tình của tất cả các thầy cô giáo và cả sự quan tâm, đồng thuận và phối hợp của phụ huynh học sinh. C. PHẦN KẾT LUẬN 1. Ý nghĩa của sáng kiến: - Với việc tổ chức thực hiện các giải pháp như nêu trên, tôi nhận thấy chất lượng chữ viết được nâng lên rõ rệt. Điều đó được thể hiện qua một số kết quả sau: + Kết quả chữ viết đạt được của lớp 2 do tôi chủ nhiệm năm học 2017 2018: Kết quả Tổng số Loại A Loại B Loại C Thời gian khảo sát học sinh SL % SL % SL % Đầu năm học 2017- 2018 16 1 6,3 4 25,0 11 68,7 CKI năm học 2017- 2018 16 5 31,3 6 37,4 5 31,3 Cuối năm học 2017- 2018 16 12 75,0 3 18,7 1 6,3 + Kết quả tham gia ngày Hội viết chữ đẹp cấp trường: Có 8 em đạt giải được nhà trường khen thưởng và 1 em được trường chọn dự thi Huyện. + Phong trào viết chữ đẹp của lớp được xếp loại xuất sắc. - Từ những kết quả đạt được đó, tôi thấy việc rèn chữ viết cho học sinh lớp 2 không những chỉ giúp cho học sinh rèn được tính cẩn thận mà còn giúp các em phát triển tư duy, sáng tạo trong việc luyện chữ viết và biết vận dụng vào thực tiễn học tập. Góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. - Tạo được sự lan tỏa về phong trào “ Viết chữ đẹp” và “Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp” không chỉ trong lớp học, trong khối và toàn trường mà còn lan tỏa đến phụ huynh học sinh. Họ đã quan tâm hơn về việc chuẩn bị các điều kiện học tập, dặn dò con em rèn luyện để cái chữ đẹp hơn. 2. Để thực hện có hiệu quả sáng kiến này, trong quá trình thực hiện cần tập trung vào ba nhóm giải pháp lớn sau: 2.1: Nâng cao chất lượng rèn chữ viết trong quá trình dạy học môn Tiếng Việt và các môn học khác, đặc biệt là với hai phân môn công cụ chủ yếu để rèn chữ viết cho học sinh lớp 2 là Tập viết và Chính tả. Trong quá trình dạy học cần tạo ra môi trường học tập sôi nổi, phong trào viết chữ đẹp trong cả lớp. Giáo viên chịu khó rèn luyện chữ viết, thường xuyên uốn nắn, sửa chữa cho học sinh một cách toàn diện về các yêu cầu khi viết chữ, trình bày bài viết… Phát huy được tích cực, đem lại hứng thú học tập cho các em. Ngoài giờ học chính khóa, cần luyện thêm cho các em viết trên vở luyện viết lớp 2, vở ô li. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp ở lớp. Trong dạy học đảm bảo đúng quy trình, đúng phương pháp, đi đầy đủ các phương pháp của một tiết học Tập viết. Bản thân giáo viên cần nắm cụ thể chất lượng viết của từng học sinh. 2.2: Việc rèn chữ viết cho học sinh không chỉ dừng lại ở giáo viên chủ nhiệm mà tất cả giáo viên giảng dạy các bộ môn và cũng không chỉ đóng khung trong nhà trường mà cần có sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh. 2.3: Nhà trường cần tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh và quy định rõ trách nhiệm cho tất cả cán bộ, giáo viên đối với chất lượng chữ viết của học sinh, tăng cường các Hội thi, các cuộc giao lưu về phong trào “Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp” trong học sinh ở cấp trường và mở rộng các đơn vị trong cụm chuyên môn. 3. Kiến nghị, đề xuất: - Đối với nhà trường tiếp tục tổ chức các Hội thi, các hình thức ngoại khóa và khen thưởng cho học sinh đạt giải, lớp có phong trào “Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp”. - Đối với giáo viên: Chú trọng hơn việc rèn chữ viết cho học sinh và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong viết chữ. Trên đây là “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 ở trường PTDTBT Tiểu học TX”. Kính mong Hội đồng khoa học, đồng nghiệp góp ý kiến để sáng kiến hoàn thiện và vận dụng có hiệu quả vào thực tế giảng dạy. Xin trân trọng cảm ơn!
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan