Mô tả:
Phương Tây có câu: “Gặp nhau nhìn quần áo, tiễn nhau nhìn tâm hồn”. Quả đúng như vậy, khi đánh giá, nhìn nhận một con người, người ta không chỉ đánh giá họ qua hình thức bề ngoài, mà còn quan tâm đến nhân cách – chủ thể của các hoạt động và giao tiếp. Nhân cách trong tâm lý học là một phạm trù nền tảng, và là một “mắt xích” quan trọng trong khoa học xã hội, nắm vững những vấn đề nhân cách giúp ta hiểu rõ hơn các vấn đề xã hội – lịch sử. Nhân cách là mặt cốt lõi của sự phát triển tâm lý con người, của sự tự ý thức và điều chỉnh bản thân, nên khi giải quyết các vấn đề nhân cách cho phép giải quyết những vấn đề khác của Tâm lý học và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y học… Vì vậy, nghiên cứu các vấn đề về nhân cách có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn. Quá trình hình thành nhân cách chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: yếu tố bẩm sinh – di truyền, môi trường tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, giáo dục, hoạt động cá nhân… Có nhiều quan điểm khác nhau bàn về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách: quan điểm tuyệt đối hóa yếu tố này hoặc yếu tố khác. Vậy sự hình thành và phát triển nhân cách chịu sự ảnh hưởng của yếu tố nào? Và ảnh hưởng ra sao? Trong xã hội hiện nay, môi trường toàn cầu hóa, ngoài những cơ hội, thuận lợi còn những thách thức lệch lạc của các yếu tố dễ dẫn đến sự phát triển méo mó về nhân cách cá nhân. Như thế, vấn đề nhân cách cần được đặt ra một cách cấp thiết hơn. Hay nói một cách rõ hơn, thời kì hội nhập, bên cạnh những giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của các nước bạn đáng để chúng ta tiếp thu, học hỏi thì còn có sự du nhập của những chuẩn mực ngoại lai, trong những chuẩn mực này có cái là văn hóa, giá trị tích cực, nhưng có cái lại là những giá trị đi sai chuẩn mực tốt đẹp của xã hội. Những chuẩn mực về nhân cách đan xen làm cho nhân cách khó khăn trong việc xác định phương hướng lựa chọn và thực hiện hành vi. Vì thế, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách là rất cần thiết, không những giúp ta hoàn thiện hơn về mặc lý luận mà còn có vai trò rất quan trọng trong thực tiễn nhằm có sự định hướng phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân cũng như bản thân theo hướng tích cực. Chính vì vậy mà tôi chọn đề tài: “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách” để tìm hiểu.