Mô tả:
Sử dụng rượu đã trở thành tập quán lâu đời trong đời sống gia đình và các cộng đồng dân cư. Ở nước ta, nhiều vùng coi rượu, bia như là vật chứng để thể hiện sự biết ơn của con người với trời đất, sự thành kính với tổ tiên, sự trọng thị của người thân, bạn bè và những người xung quanh. Bởi vậy mà rượu, bia là một thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hội hè…“Phi tửu bất thành lễ”. Đối với một số người rượu, bia còn là chuẩn mực đánh giá bản lĩnh, tính cách của nam giới “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Kinh tế nước ta ngày càng phát triển nên xu hướng sử dụng rượu, bia trong cuộc sống hằng ngày, những dịp lễ hội, quan hệ công việc…ngày càng gia tăng. Để đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, các mặt hàng rượu, bia trên thị trường cũng trở nên phong phú hơn với nhiều loại và giá thành khác nhau. Theo điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) năm 2003 kết luận: “Tỉ lệ thanh niên đã có uống rượu bia rất cao, trong đó có một nhóm nhỏ say bia rượu thường xuyên”.[21] Điều này khiến nhiều người nhớ đến thông tin Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng 3 tỷ USD/năm chi cho bia và khoảng 16.000 tỷ đồng/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy. Lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm vừa qua, trong khi Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng do năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8 lít. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ rượu, bia. [22] Và con số đó vẫn không dừng lại, lượng rượu được sử dụng ở Việt Nam đang tiếp tục tăng. Dự báo đến 2025 ở mức 7 lít/người/năm. Ngoài ra còn lượng rượu lớn do dân tự nấu mà chưa đánh giá được con số chính xác. Điều đáng nói là chúng ta đang đối mặt với tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, với gần 30 người chết mỗi ngày, mà 70% số vụ tai nạn lại có liên quan đến rượu, bia. Rượu, bia cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 60% số vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam. Nhiều tấn bi kịch gia đình, án mạng chết người đã xảy ra trong cơn say. Tai nạn xảy ra, phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên va chạm người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động,… Cũng vì có tí hơi men vào nên khi xảy ra va chạm người ta dễ nổi khùng, xông vào đánh nhau gây những chấn thương nguy kịch, thậm chí tử vong. Khi say, con người ta không làm chủ được ý thức, anh em, bạn bè đánh nhau vì lời ra tiếng vào, khi say rượu có thể gây những hành vi đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng. Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngày lễ (từ ngày 29/4 - 3/5-2015) đã tiếp nhận 580 trường hợp nhập viện trong đó vì tai nạn giao thông có 142 trường hợp, đánh nhau: 16 trường hợp… mà phần đông những trường hợp tai nạn giao thông hay đánh nhau này có liên quan đến cồn.[25] Còn theo một thống kê tại Việt Nam, các rối loạn do lạm dụng rượu (14%) là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật ở nam giới, tiếp đến là trầm cảm (11%) và tai nạn giao thông (8%). Khoảng 60% các vụ bạo lực gia đình, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội và gần 70% vụ tai nạn giao thông là do sử dụng rượu, bia. 15% số giường ở bệnh viện tâm thần là dành cho người nghiện rượu. Đây là những con số đáng báo động. [23] Ai cũng nhận thức được ảnh hưởng của việc sử dụng rượu, bia nhưng cùng nhau “trăm phần trăm” đã trở thành thói quen trong nhiều cuộc liên hoan, ăn nhậu, thậm chí còn được xem là thước đo mức độ tình cảm hay bản lĩnh của cánh đàn ông trong các cuộc vui. Vẫn biết, uống rượu, bia từ lâu đã gắn với sinh hoạt đời thường của người Việt Nam. Nhưng nét văn hóa “đối ẩm” truyền thống nay đã ít nhiều bị biến tướng, khi rượu bia bị lạm dụng để người ta thách đố nhau.