Mô tả:
TÓM TẮT KHÓA LUẬN Đề tài: “Đánh giá hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình” Đông Xuân là một xã nằm ở phía nam của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tổng diện tích đất tự nhiên năm 2014 của xã là 563,72 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 310,47 ha, đất trồng lúa là 181,15ha chiếm 58,35% diện tích đất nông nghiệp. Với dân số là 11428 người. Với hơn 70% lao động là lao động nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp nên các cấp lãnh đạo cùng nông dân trong xã rất quan tâm tới việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp. Điển hình là sản xuất lúa gạo. Lúa gạo là một thức ăn chính của người dân châu á và cũng là bảo vệ an ninh lương thực cho cả vùng, cả đất nước. Chính vì thế mà các cấp lãnh đạo đã hỗ trợ chi phí đầu vào cho các hộ nông dân sản xuất lúa, đồng thời khuyến khích các hộ sản xuất theo kỹ thuật tiên tiến để có được năng suất và chất lượng cao. Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành thực hiền đề tài:“Đánh giá hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình”. Với những mục tiêu cụ thể như sau: - Góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa; - Đánh giá thực trạng sản xuất và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa của các hộ nông dân trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; - Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sản xuất lúa của các hộ nông dân xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; - Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa của hộ nông dân trên địa bàn xã. Sau khi nghiên cứu chúng tôi thu được một số kết quả sau: Nghiên cứu kết quả và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả sản xuất lúa của một số nông hộ ở các thôn thuộc xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nhằm đánh giá tình hình sản xuất lúa ở các nông hộ trên địa bàn và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất lúa của các nông hộ. Qua kết quả hồi quy, có thể thấy rằng các yếu tố đầu vào đều ảnh hưởng đến năng suất lúa thu được. Trong đó, yếu tố giống và phân bón ảnh hưởng tiêu cực đến năng xuất, chi phí cho hai yếu tố này khá là cao. Do đó, nếu hộ nông dân tăng (giảm) mức đầu tư các yếu tố đầu vào hợp lý thì năng suất không ngừng tăng lên. Thông qua đề tài này tôi hy vọng nhà nước, chính quyền địa phương có những biện pháp triển khai, thực hiện kịp thời; chủ động đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết trong năm, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ người dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa để có được năng suất và chất lượng cao, ổn định.